Đang xử lý.....

Nghiêng mình trước đền Ân sư 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Năm, 15/11/2012, 00:00 (GMT+7) 2869

Vùng đất địa linh nhân kiệt Bến Tre được lưu dấu bởi những anh hùng hào kiệt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục.

Đó là vị tiến sĩ đầu tiên trên đất Nam kỳ Phan Thanh Giản; là nhà bác học Trương Vĩnh Ký - một trong 18 người giỏi nhất thế giới trong thế kỷ XIX; là nhà thơ, thầy thuốc và nhà giáo yêu nước Nguyễn Đình Chiểu… Và cũng chính trên vùng đất này, từng thế hệ tiếp bước lưu giữ truyền thống tôn sư trọng đạo. Truyền thống ấy được hun đúc qua nhiều thế hệ, bằng nhiều hình thức nhưng tựu trung chính là nghĩa cử đậm tính nhân văn, thể hiện giá trị đạo đức của mỗi con người. Những ngày tháng 11 này, chúng tôi lại về với đền Ân sư tiền vãng - nơi lưu danh và tôn thờ các bậc tiền nhân trong ngành giáo dục. Quyện trong làn hương khói tỏa, đền Ân sư tiền vãng tạo nên nét riêng trong không gian trầm ấm giữa chốn thị thành.

Đền Ân sư tiền vãng được xây dựng năm 1969, trong khuôn viên khá đắc địa cạnh hồ Trúc Giang, tiếp giáp với Sở Giáo dục, Trường Tiểu học Bến Tre và Trường Tiểu học Phú Thọ (đang xây). Dù chỉ một gian nhỏ với lối kiến trúc đơn giản, gồm một trệt và tầng hầm nhưng vẫn đủ để tôn nên nét uy nghiêm của một đền thờ.

Với tên gọi ban đầu là Giáo sư tiền vãng, năm 1999, đền được nâng cấp, lát gạch nền và được đổi tên thành Đền Ân sư tiền vãng cho đến bây giờ. Đúng như tên gọi, đền Ân sư tiền vãng lưu danh các thế hệ nhà giáo quá vãng có công trên đất Bến Tre. Tấm gỗ rộng được đặt ngang chính diện là bảng lưu danh 350 nhà giáo mà trong đó Nguyễn Đình Chiểu là tên được đặt ngay giữa đỉnh và lớn nhất. Bên cạnh là tấm bảng nhỏ lưu danh 16 nhà giáo liệt sĩ thời chống Mỹ cứu nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết, đền Ân sư thường được mở cửa mỗi năm 2 lần, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và Tết Nguyên đán. Đây là dịp để các thế hệ học trò tề tựu thắp nén hương tưởng niệm tri ân những nhà giáo đã khuất. “Trước khi vào họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi đều đến đây viếng hương hồn các bậc tiền nhân” - ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Mặc dù được quan tâm, gìn giữ nhưng đền Ân sư tiền vãng hiện vẫn chưa thật sự được chăm nom theo đúng nghĩa là nơi tôn vinh các bậc thầy. Vẫn trong khuôn viên uy nghiêm cùng cây đa soi bóng làm dịu mát không gian yên ả, nhưng không gian xung quanh trở nên ngổn ngang với đủ thứ hàng xén “quá giang”.

Đền Ân sư tiền vãng hiện đang ở vị trí rất đẹp và đậm ý nghĩa giáo dục, khi tiếp giáp với các trường tiểu học, mầm non và Sở Giáo dục và Đào tạo ngay giữa trung tâm TP. Bến Tre. Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, việc gìn giữ và tiếp tục trùng tu di tích này là trách nhiệm của các người con Bến Tre. Thêm không gian cây xanh quanh khuôn viên này là sự kết nối liên hoàn về mặt kiến trúc đồng thời có ý nghĩa tích cực trong giáo dục đạo đức, truyền thống cho các thế hệ học sinh.

Báo ân dưỡng dục là đạo đức làm người được đúc kết từ tổ tiên và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đền Ân sư tiền vãng là nơi duy nhất của tỉnh để nhắc nhớ và thể hiện sự tri ân của mỗi người dân Bến Tre. Dù từng ngồi trên ghế nhà trường hay không thì mỗi chúng ta đều có những người thầy cho riêng mình. Đó không phải chỉ là những người thầy trong trường, trong lớp mà là những bậc cao niên, những bậc tiền bối và cả những người đồng hành cùng chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm sống trong hành trình cuộc đời của mỗi người. Bởi thế, gìn giữ và bảo vệ đền Ân sư cũng là cách thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau.

Phương Yến

Bình luận