Đang xử lý.....

Ấn tượng xứ dừa 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Năm, 22/11/2012, 00:00 (GMT+7) 3418

(iHay) Suốt một thời gian dài, Bến Tre dường như tách biệt với đất liền. Mãi đến năm 2009, khi cầu Rạch Miễu xây xong rồi đến cầu Hàm Luông hoàn thành đã chấm dứt sự “cô lập” này và mang lại luồng gió mới cho Bến Tre, nhất là ngành du lịch.

Tràn ngập… kẹo

Vừa qua cầu Rạch Miễu, cảm giác mát lành ùa vào xe và sự lâng lâng khó tránh trong lòng du khách bởi cảnh quan bát ngát mở rộng trước mặt. Đó là hình ảnh của “tứ linh” với 4 cồn nổi trên sông: Long, Lân, Quy, Phụng. Đây là khu vực giáp ranh giữa Tiền Giang và Bến Tre: cồn Long (cồn Thới Sơn) và cồn Lân thuộc tỉnh Tiền Giang; cồn Quy và cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, H.Châu Thành (Bến Tre). Một phần cầu Rạch Miễu đặt trên cồn Thới Sơn, nơi này năm xưa Nguyễn Huệ tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và ngày nay những mảnh vườn, con rạch quanh co, đầy cây ngon trái ngọt.

 Đờn ca tài tử thu hút du khách khi đến Bến Tre
Đờn ca tài tử thu hút du khách khi đến Bến Tre - Ảnh: T.K.Đ

Trong tứ linh thì cồn Long chuyên nuôi thủy sản trên bè và sửa chữa ghe tàu vì gần cảng cá Mỹ Tho. Hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra trên cồn Thới Sơn, cồn Phụng và cồn Quy. Đặc biệt, cồn Phụng là nơi tiên phong khai thác thân cây dừa, ban đầu chỉ là hàng gia dụng vặt vãnh rồi tiến tới hình thành một làng nghề mỹ nghệ dừa và sau đó lan rộng cả tỉnh Bến Tre. Tại cồn Phụng vẫn còn giữ di tích kiến trúc lạ mắt và tinh xảo của đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam lập nên từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

Cảm giác của du khách khi mới đến Bến Tre là cứ ngỡ đến xứ… kẹo! Quảng cáo kẹo dừa tràn ngập từ cửa ngõ thành phố chạy dài đến khắp mọi phố xá. Đây chính là quê hương của vài chục loại dừa: dừa cao, dừa lùn, dừa lai… cùng hơn 40 loại sản phẩm chế biến từ dừa bán ra khắp thế giới mà trong đó có lẽ kẹo dừa là đầu bảng.

Nơi nào cũng muốn đến

Đặt chân đến Bến Tre sẽ không khỏi lúng túng và không biết chọn hướng tham quan bởi vì nơi nào cũng… muốn đến. Ở một vùng đất có nhiều người nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu; tiến sĩ đầu tiên Nam kỳ lục tỉnh Phan Thanh Giản; nhà giáo Võ Trường Toản; chí sĩ Phan Văn Trị; nhà bác học Trương Vĩnh Ký; nữ tướng Nguyễn Thị Định… thì không thể một sớm một chiều mà đi hết được.

 Hồ Trúc Giang quyến rũ nằm tại trung tâm TP.Bến Tre
Hồ Trúc Giang quyến rũ nằm tại trung tâm TP.Bến Tre - Ảnh: T.K.Đ

Bến Tre là một thành phố nhẹ nhàng. Nhiều kiến trúc cổ Tây Phương lẫn Á Đông vẫn còn nguyên vẹn. Có những con phố rợp bóng cây và hồ Trúc Giang quyến rũ. Sông Bến Tre chảy qua nội ô cùng hai cầu Bến Tre 1 và 2 mở cho thành phố một không gian thoáng đãng đang ngày càng đẹp ra.

Du ngoạn bằng xe buýt ở Bến Tre là một điều thú vị mới. Xe đẹp, đường sạch là ấn tượng của xe buýt xứ dừa. Du khách có thể đi từ TP.HCM hoặc các tỉnh quanh vùng đến Bến Tre hoàn toàn bằng xe buýt với tuyến mở đầu từ Bến xe Tiền Giang đến phà Cổ Chiên và xuống xe tại bến Châu Thành để đến vùng tứ linh. 8 tuyến xe buýt đưa du khách đi khắp mọi nơi của Bến Tre. Cứ 20 phút một chuyến, giúp du khách dễ dàng đến tất cả những danh thắng xứ dừa. Nếu có thêm một hệ thống bản đồ toàn tuyến xe buýt đi qua và đặt ở mọi trạm dừng cùng việc cải thiện chất lượng xe và cung cách phục vụ thì không riêng với Bến Tre, hoàn toàn có thể nghĩ đến một hệ thống chương trình tham quan cả ĐBSCL bằng xe buýt hết sức phong phú.

Tiếp tục đi sâu vào 3 dãy cù lao, Bến Tre còn có những vườn cây trái ở Cái Mơn, Sơn Định, Vĩnh Bình (Chợ Lách) hay Tiên Long, Tiên Thủy, Tân Phú (Châu Thành)… làm du khách rất khó rời chân. Bến Tre còn có khu lưu niệm Đồng Khởi và điểm cầu của Chuyến tàu không số chở vũ khí từ Bắc vào Nam.

Tình người, tình đất Bến Tre thủy chung, sâu lắng và nồng thắm là cảm giác mà đa số du khách mang theo khi rời khỏi xứ dừa.

Trần Kim Đính

Bình luận