Đang xử lý.....

Linh thiêng Đình rắn 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Ba, 29/01/2013, 00:00 (GMT+7) 5559

Không là ngôi đình nổi tiếng với lối kiến trúc cổ như các ngôi đình khác trong tỉnh (Tân Thạch, Bình Hòa hay Phú Lễ), nhưng Đình Rắn (Định Thủy, Mỏ Cày Nam -Bến Tre) vừa là nơi tín ngưỡng dân gian, vừa là di tích lịch sử của phong trào Đồng Khởi làm nức lòng người dân cả nước.

Một góc Đình Rắn. Ảnh: Thành Lập
Từ huyền thoại…
 
Đình Rắn được hình thành từ một ngôi miếu cổ với tên gọi là Định Nhơn linh miếu, thành lập từ năm 1827 (theo Dư địa chí Bến Tre), mặt đình quay về hướng Đông, trên nền đất gò cao, với nhiều cây cối rậm rạp. Đình có kết cấu theo lối nhà Xếp đội - những gian nhà nối tiếp nhau, gồm nhà võ ca, trung ca, chính ca và khu phối tiền vãng (nơi thờ tiền bối, hậu bối - những người có công xây dựng ngôi đình).
Tương truyền, trong đình có một hang rắn rất to, ăn sâu vào giữa đình. Xung quanh đình, có rắn độc rất nhiều. Ông Trịnh Văn Thêm, năm nay 72 tuổi, hiện là Chánh bái trong Ban khánh tiết đình, nhớ lại: Hồi chúng tôi còn nhỏ, mỗi khi tổ chức cúng đình, luôn đòi theo ba ra đình chơi nhưng ông cụ kiên quyết không cho theo, sợ gặp phải “mấy ông”- rắn, bởi chúng tôi còn quá nhỏ và hay chạy nhảy. Rắn nhiều đến nỗi, mỗi khi cúng đình, các cụ phải lấy ván tấn quanh ngôi đình, lót ván trên nền đất.
Trong huyền thoại về Đình Rắn xưa có kể lại rằng, khi những cư dân xứ ngũ Quảng đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, đoạn đi ngang qua cù lao Bảo thì đột nhiên có sóng to, gió lớn, làm thuyền chao đảo. Lúc bấy giờ, có một con rắn rất to xuất hiện, nâng thuyền qua sông. Khi định cư lập nghiệp trên vùng đất này, nhớ công ơn của rắn, người dân lập đình phong thần thờ Rắn. Cũng từ đó, đời sống của bà con trong vùng khấm khá hơn, mùa màng luôn được bội thu, dân làng đều khỏe mạnh.
Có chi tiết khác kể rằng, từ sau phong trào Đồng Khởi, Đình Rắn trở thành căn cứ cách mạng của ta - nơi tổ chức các cuộc họp, mít-tinh. Những năm 70, nữ tướng Nguyễn Thị Định cũng từng về đây nắm tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Bọn tề xã, ngụy quyền biết rất rõ nhưng không dám vào đình.
Có một tên chỉ huy toán lính đột kích bao vây Đình Rắn để hòng bắt cho được cô Ba Định, nhưng khi tiến vào đình thì bọn chúng hoảng hốt, chạy tán loạn. Về sau mới biết, bọn chúng đã gặp một con rắn rất to nằm trong đình. Con rắn “thần” ấy đã một lần cứu cô Ba thoát khỏi tay bọn tề xã và ngụy quyền. Vì vậy mà huyền thoại về Đình Rắn càng mang tính tâm linh, tín ngưỡng hơn.
Ông Thêm còn khẳng định: Hồi sau giải phóng, ngôi đình cũng còn nhiều rắn lắm, chú thím ba Mãnh đi làm ruộng về tối cũng gặp một cặp rắn rất to, to đến nỗi, thím ba Mãnh cứ ú ớ mà không thốt được lời. Những năm sau này, mỗi khi cúng đình, về khuya, ở khu chính ca, anh em trong Ban khánh tiết trước đây kể lại cũng từng gặp cặp rắn to lắm nằm ở đó.
Và theo ông Thêm, tuy đình có rắn ở nhưng từ thời của ông đến giờ, không nghe ai trong vùng bị rắn chạm (cắn) - Đây cũng là điều tâm linh về Đình Rắn.
Đình Rắn là ngôi đình có nhiều rắn ở và cũng một thời từng thờ Thần Rắn. Ngôi đình còn nhiều hiện vật cổ như những tấm hoành phi, ba bộ tượng thờ: Thần, Tả ban và Hữu ban, một cây me cổ thụ ngoài trăm tuổi. Tuy không còn Sắc thần, nhưng theo ông Thêm, Đình Rắn thờ sắc thần Trung Trực (Trung Trực tử vi thần), khuôn viên đình rộng khoảng 5.000m2, phía trước sân đình thờ Thần Nông, tả và hữu thờ Long - Hổ thần (hai vị thần phò tá Thành Hoàng).
Ban khánh tiết, lễ sinh, hậu hiền có khoảng 39 người. Lễ cúng Hạ điền vào ngày 16-5 âm lịch, lễ cúng Thượng điền vào ngày 16-11 âm lịch. Ngoài ra, còn có các lệ cúng khác như Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch. Vào những lệ cúng này, bà con nhân dân trong vùng tề tựu về đình rất đông.
Hiện ngôi đình tọa lạc tại ấp Định Nhơn, xã Định Thủy, mặt quay hướng Đông Nam. Theo lời một thầy cúng, nếu đình quay về hướng này thì đàn rắn sẽ bỏ đi. Nhưng thực tế, do bà con phát quang nên không còn chỗ cho rắn trú ngụ.
…Đến di tích lịch sử
 
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh cho biết, Đình Rắn là một trong những quần thể di tích lịch sử phong trào Đồng Khởi năm 1960, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận năm 1993.
Những ngày đầu năm 1960, sau khi dự Hội nghị đại biểu các tỉnh để nghe phổ biến tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, tại xã Minh Đức, đồng chí Nguyễn Thị Định đã mở hội nghị để triển khai ngay cho các đồng chí trong Tỉnh ủy.
Sau khi phân tích mối tương quan lực lượng, thời cơ, khả năng cách mạng của quần chúng, hội nghị đã đi đến quyết định phát động tuần lễ toàn dân nổi dậy diệt ác, phá kìm, bức rút, bức hàng bọn ngụy quân, ngụy quyền ở nông thôn. Ba xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp được chọn làm địa bàn để phát động phong trào, bởi ba xã này có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh và quần chúng nhân dân được tôi luyện qua nhiều cuộc tranh đấu. Định Thủy được xem là cái nôi tiêu biểu.
Ngày 11-1-1960, đồng chí Ba Cầu - Huyện ủy viên, xuống xã Định Thủy triệu tập hội nghị cấp ủy xã và đề ra kế hoạch hành động có sự kết hợp giữa lực lượng quần chúng bên ngoài và nội tuyến để diệt ác, phá kìm, giải tán bọn tề ấp, tề xã, giành chính quyền. Tổ hành động cũng được thành lập, trang bị dao găm, mã tấu, chuẩn bị nổi dậy với mục tiêu trọng tâm là diệt tên Đội Tý - một tên có nợ máu với quần chúng nhân dân ở địa phương, đang chỉ huy bọn tổng đoàn dân vệ đóng tại Đình Rắn.
8 giờ sáng ngày 17-1-1960, đồng chí Lê Bình An - Bí thư Chi bộ xã chỉ huy Tổ hành động và chia làm hai lực lượng: một chịu trách nhiệm diệt tổng đoàn dân vệ ở Đình Rắn, một bộ phận tấn công tiêu diệt đồn Vàm Nước Trong (bọn tề xã). Được tin quần chúng báo tên Đội Tý cùng cận vệ Năm Vị đang uống trà ở quán Năm Thiểu, lực lượng chia làm hai tổ nhỏ và tiến về chợ Định Thủy.
Tổ một gồm các đồng chí: Chín Chiêm, Bảy Thống, Chín Định; tổ hai gồm: Ba Giai, Tám Dũng, Ba Kỉnh… cải trang đi tảo mộ. Khi tổ một tiếp cận được Đội Tý tại quán Năm Thiểu, thì tổ hai cũng vừa đến. Thấy chủ quán có vẻ sợ, đồng chí Ba Giai đi thẳng vào trong kệ thuốc, hỏi mua thuốc uống rồi đi vòng ra phía sau rút ra con “dao chó” (giống như loại dao xếp bây giờ) giương lưỡi lên.
Thừa lúc Đội Tý mất cảnh giác, nhanh như chớp, Ba Giai nhảy tới choàng cổ, quật ngã Đội Tý. Bảy Thống, Chín Định cũng nhảy vào hỗ trợ. Tên Năm Vị bỏ chạy ra ngoài, thì bị đồng chí Chín Chiêm chặn lại và tước lấy khẩu súng.
Khi tấn công Đội Tý, mục đích của ta là bắt sống hắn để kêu gọi bọn tề ấp, tề xã bức hàng nhưng do Đội Tý quá vùng vẫy, trói không được hắn. Sẵn súng trong tay (vừa tước được của tên cận vệ), đồng chí Chín Chiêm bắn một phát, kết thúc cuộc đời tàn bạo của tên Đội Tý. Đây cũng là tiếng súng mở màn phong trào Đồng Khởi.
Diệt xong tên Đội Tý, lực lượng của ta, quần chúng nhân dân các ấp từ Thạnh Hưng, Định Nhơn, các cơ sở nội tuyến chia làm nhiều mũi cùng tiến công vào Đình Rắn, phóng loa kêu gọi bọn tổng đoàn dân vệ đầu hàng. 9 giờ cùng ngày, bọn tổng đoàn dân vệ đóng ở Đình Rắn bị ta tiêu diệt. Cũng cùng thời gian trên, ta chiếm được đồn Vàm Nước Trong.
Tối 17-1-1960, tại chợ Định Thủy, ta tổ chức mít-tinh biểu dương lực lượng, mừng thắng lợi và cũng từ đây, phong trào Đồng Khởi lan rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Phong trào đã mở ra một thế cuộc mới trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ: chuyển từ thế bị động sang thế tấn công. Từ phong trào này, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre vinh dự được Bác Hồ phong tặng tám chữ vàng: “Anh dũng Đồng Khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”.

 

Theo Thành Lập (Đồng Khởi Online)

Bình luận