Đang xử lý.....

Khảo sát tình hình hoạt động và quản lý dịch vụ khu bãi tắm Cồn Bững - Thạnh Hải 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Ba, 17/09/2013, 00:00 (GMT+7) 5127

Người viết: Văn Thanh

 

(Bentre.gov.vn)-Nhằm làm cơ sở tham mưu cho Tỉnh ủy trong chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh nhà, nhất là việc phát triển du lịch tại huyện Thạnh Phú, cụ thể là phát triển điểm du lịch sinh thái biển tại Cồn Bững, xã Thạnh Hải, ngày 14/9/2013, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các phòng trực thuộc và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạnh Phú đã đến khảo sát nắm tình hình hoạt động và quản lý các dịch vụ phục vụ du lịch tại bãi tắm Cồn Bững.

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo xã Thạnh Hải đã báo cáo sơ bộ về tình hình số lượng khách đông và đột biến từ khoảng gần 2 tháng nay tại bãi tắm Cồn Bững. Và theo báo cáo của lãnh đạo địa phương: Thạnh Hải có diện tích tự nhiên trên 6.500ha, có bờ biển dài 15km (trong đó Cồn Bững có bờ biển dài 8km).

 

Image
Bãi biển Cồn Bững, xã Thạnh Hải năm 2012. (Ảnh: H.C)

Ngày 17/01/2013, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với huyện Thạnh Phú đã tổ chức Lễ khởi công dự án "Bảo tồn giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển". Sau ngày khởi công dự án có 03 hộ dân mở dịch vụ ăn, uống giải khát phục vụ nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2013 và lễ hội cúng Ông Nam Hải (ngày 15/01/2013 âl). Sau đó, vào ngày thứ bảy, chủ nhật du khách tìm đến tắm biển và bắt đầu tăng dần từ lễ kỷ niệm 30/4/2013 và 01/5/2013 cho đến nay, du khách đổ về bãi tắm Cồn Bững tăng rất đông, nhất là ngày thứ bảy, chủ nhật, có ngày trên 2.000 du khách.

 

Từ số lượng du khách đến tham quan và tắm biển, các dịch vụ ăn, uống giải khát và bán hàng thủy sản tươi sống, dịch vụ nhà nghỉ cũng phát triển theo. Hiện tại, tại bãi biển Cồn Bững có 38 cơ sở kinh doanh trên lĩnh vực này, nhưng chỉ có 04 cơ sở (là người của địa phương) có đăng ký giấy phép kinh doanh, số hộ còn lại không đăng ký kinh doanh do vị trí kinh doanh vi phạm bao chiếm đất lâm phần. Nắm bắt thông tin từ địa phương, thì tình hình mua bán diễn ra khá ổn định, giá cả mua, bán rẻ, chất lượng hàng hóa, thực phẩm đảm bảo và chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.

 

Cũng theo báo cáo của lãnh đạo xã Thạnh Hải, do tình hình du khách đổ về Cồn Bững ngày càng đông và đa phần các cơ sở kinh doanh tại bãi tắm Cồn Bững là người từ nơi khác đến thuê mướn đất làm mặt bằng để kinh doanh, nên Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú đã chỉ đạo cho các ngành chức năng và xã Thạnh Hải phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp như: Thành lập đội kiểm tra liên ngành; Ban Quản lý phát triển du lịch; Tổ quản lý môi trường; Tổ an ninh trật tự và Tổ cứu nạn trên biển; đầu tư xây dựng bãi rác tạm thời; dựng các bảng, băng-rôn tuyên truyền về môi trường; kết hợp với ngành chức năng mở lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch (có 56 người dân tại địa phương tham dự); kết hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý rừng phòng hộ và đất lâm phần (đã kịp thời lập biên bản đình chỉ 80 hộ xây cất và bao chiếm đất lâm phần, cũng như phát hiện và ngăn chặn các hộ dân bao chiếm, chặt phá rừng để đầu tư kinh doanh).

 

Đầu tháng 9/2013, UBND huyện Thạnh Phú cũng đã có ý kiến chỉ đạo: Trước mắt hợp đồng với tư nhân thu gom rác và cứu hộ; thỏa thuận với các hộ kinh doanh đóng góp phí môi trường; sắp xếp các hộ mua bán và không cho buôn bán dưới bãi biển; không cho xe các loại xuống bãi biển; không cho tàu thuyền mua bán hải sản trong bãi tắm; các hộ kinh doanh chấp nhận không giấy phép; hạn chế phát sinh mới, chờ quy hoạch của tỉnh.

 

Đánh giá về việc phát triển du lịch tại Cồn Bững, lãnh đạo địa phương còn cho biết: Sau khi triển khai đầu tư một số dự án về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thì tiềm năng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh (du khách đến viếng nơi để bộ xương cá Ông tại Lăng thờ Ông Nam Hải), du lịch sinh thái biển,... đang có chiều hướng phát triển mạnh. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch cũng phát triển nhanh; du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, giải trí, thư giãn ngày càng tăng, đã góp phần giải quyết đầu ra một số mặt hàng thủy sản tươi sống, cũng như hàng nông sản tại địa phương; giải quyết được việc làm cho một số lao động, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

 

Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển cũng là điều mà địa phương rất lo ngại, song được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, nên tình hình an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho du khách, công tác tổ chức, quản lý, sắp xếp ổn định kinh doanh được kịp thời giải quyết.

 

Image
Bãi biển Cồn Bững ngày 14/9/2013. (Ảnh: H.C)

Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cũng nêu lên những băn khoăn, hạn chế, khó khăn hiện nay như: Khu bãi tắm Cồn Bững phát triển tự phát quá nhanh, dẫn đến nhiều mặt trong quản lý thiếu chặt chẽ như tình hình lấn chiếm đất lâm phần khá phức tạp; một số dịch vụ ăn, uống giải khát chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; xây dựng nhà, lều mua bán không đảm bảo an toàn, không phù hợp và thiếu vẽ mỹ quan bãi biển thiên nhiên; mua bán chưa niêm yết giá; tình hình người dân nơi khác đến thuê đất kinh doanh, tạm trú không đăng ký với chính quyền sở tại; tình hình rác thải sinh hoạt của người kinh doanh, du khách làm ảnh hưởng và gây ô nhiễm môi trường tại địa phương; vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sạch chưa đảm bảo; giá cả một số mặt hàng thiếu ổn định; tình hình cho thuê, mua bán đất giá tăng cao và phức tạp, tác động xấu đến giá đền bù của các dự án khác; giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại cho du khách như lộ xuống cấp, đường hẹp xảy ra kẹt xe, dễ xảy ra tai nạn và cầu quá tải...

 

Nhân dịp này, địa phương cũng có những kiến nghị: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện và các cấp ngành có liên quan sớm có quy hoạch tổng thể và triển khai phát triển khu du lịch Cồn Bững; các ngành chức năng cộng đồng trách nhiệm quản lý và xử lý, giải tỏa các hộ lấn chiếm đất lâm phần; triển khai đền bù giải tỏa, đầu tư một số dự án như: Dự án đường Hồ Chí Minh trên biện; nâng cấp Lăng Ông Nam Hải; đường và cầu ra Cồn Bững và đoạn Quốc lộ 57 (đoạn từ Phà Cầu Ván đến Khâu Băng).

 

Ghi nhận tình hình hoạt động quản lý dịch vụ khu bãi tắm Cồn Bững trong gần 02 tháng qua, cùng những kiến nghị của lãnh đạo xã Thạnh Hải, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ báo cáo và tham mưu Tỉnh ủy có những chỉ đạo và giải pháp phù hợp, kịp thời để phát triển du lịch tại Cồn Bững.

 

Cũng nhân buổi làm việc này, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chia sẻ, động viên lãnh đạo địa phương tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, tích cực quản lý tốt hơn nữa việc phát triển du lịch tự phát tại Cồn Bững, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, hạn chế và không để tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn; đảm bảo an toàn cho khách đến tắm biển; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến và đi; không để tình trạng “lôi kéo, chặt chém” du khách; có biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ người dân nơi khác đến mưu sinh, kinh doanh các dịch vụ du lịch tại Cồn Bững.

 

Đề nghị Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạnh Phú cần có những định hướng tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo các đơn vị chức năng, chuyên môn, liên kết quản lý tốt việc phát triển du lịch biển tại Cồn Bững, đồng thời gắn kết xây dựng các điểm đến mà huyện Thạnh Phú đang có và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện nhà để du khách trong, ngoài nước biết đến như: Di tích được công nhận cấp Quốc gia "Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam" xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, "Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ" tại xã Đại Điền, cùng với bia lưu liệm nơi làm lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307 “đánh đâu được đấy - oai hùng biết mấy” của bộ đội ta trong thời kỳ chống thực dân Pháp; nơi ghi dấu thảm sát thường người dân vô tội tại xã Thạnh Phong; làng nghề đúc lu tại xã Hòa Lợi; làng nghề bó chổi tại xã Mỹ An; nghề chằm nón lá Huế tại xã Mỹ Hưng; khám phá mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa; hay phiêu lưu mạo hiểm khám phá đáy hàng khơi tại Vàm Băng Cung, xã Giao Thạnh; trải nghiệm tại rừng ngặp mặn với mùa ba khía hội; thưởng thức ẩm thực đặc sản truyền thống nổi tiếng bánh dừa, bì bún Giồng Luông tại xã Đại Điền và hải sản tươi sống: cua gạch điều, tôm, sò huyết, nghêu, ba khía… mà địa phương hiện có.

Bình luận