Đang xử lý.....

Cồn Quy - đảo ngọc giữa lòng sông Tiền 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Ba, 25/03/2014, 00:00 (GMT+7) 4184
Người viết: Hoàng Việt
21/03/2014

Ai đã một lần đến Bến Tre “xứ sở dừa Việt Nam” cũng phải thốt lên rằng “Đẹp quá!”. Để rồi quấn quanh nơi này không muốn rời xa. Bến Tre trong mắt của những nhà thơ, người nghệ sĩ thì đẹp đến nao lòng. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết:

“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ,

Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ

Cứ mỗi chiều nghe dừa ru trước gió

Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”

(Dừa ơi - Lê Anh Xuân)

Là vùng đất được phù sa bồi tụ bởi ba dãy cù lao, Bến Tre có nhiều cồn bãi, mỗi cồn nổi có một vẻ đẹp riêng và những hào sản độc đáo khác nhau. Nếu đến Cồn Ốc (Giồng Trôm), cái tên gọi là “cồn Ốc” chắc du khách nghĩ “Nơi đây chắc có nhiều ốc lắm?” Theo các lão cao niên trong vùng thì lúc trước vùng đất này có rất nhiều ốc nên gọi là cồn Ốc. Đến đây, du khách sẽ thưởng thức nước dừa tươi mát nổi tiếng với nhiều loại dừa khác nhau, thưởng thức nhiều chủng loại trái cây trên cồn, tham quan làng nghề đan giỏ cọng dừa. Ngược về cồn Phú Đa (Chợ Lách) có đặc sản ốc gạo nổi tiếng, trong đó món bánh xèo ốc gạo làm nên hương vị không thể nào quên. Trở về huyện cửa ngõ Châu Thành, tỉnh Bến Tre du khách sẽ khám phá cồn Quy với biết bao điều lý thú và hấp dẫn bởi vẻ đẹp sông nước hữu tình.

 

Image
“Tát mương bắt cá” trên cồn Quy ngày càng được du khách ưa thích. (Ảnh: TTXTDL)

Đến cồn Quy, mọi thứ đều hoang sơ đến hồn nhiên như chưa có bàn tay con người tác động vào. Cồn Quy nằm dọc theo sông Tiền thơ mộng, giữa hai xã Tân Thạch và Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cách trung tâm thành phố Bến Tre 23km đường sông. Cồn Quy với diện tích tự nhiên khoảng 65ha, là cồn nhỏ nhất của Bến Tre, được khai thác từ những năm đầu của thập kỷ 60 thể kỷ XX. Trông xa xa, cồn Quy như một hòn đảo nhỏ nổi giữa sông, những hàng dừa xanh đong đưa trong làn gió mát, những vườn nhãn trĩu quả kết trái thành từng chùm, với hương thơm ngào ngạt như níu chân du khách tham quan.

Là vùng đất mới, Cồn Quy như một ốc đảo, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc, kinh tế của người dân trên cồn gặp nhiều khó khăn. Định nghĩa “du lịch” đối với người dân hoàn toàn xa lạ. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi ngành du lịch Bến Tre có bước phát triển, du khách quốc tế biết đến Bến Tre nhiều hơn, thì người dân trên cồn dần xác định được tầm quan trọng của việc đầu tư kinh doanh du lịch, nên họ đã mạnh dạn đầu tư theo kiểu hộ gia đình tự phát để đón khách. Ban đầu, người dân chủ yếu đầu tư xây dựng điểm đón khách chỉ là những ngôi nhà sàn nhỏ bằng tre lá đơn sơ, quy mô nhỏ nên số lượng khách còn ít, khoảng vài chục khách nước ngoài trong ngày. Sau khi cầu Rạch Miễu được thông thương, phá thế ốc đảo của Bến Tre thì số lượng khách du lịch đến với Bến Tre nhiều hơn. Người dân thấy được tiềm năng để phát triển du lịch nên đầu tư cơ bản hơn, xây dựng nhà hàng thủy tạ ven sông với sức chứa hàng trăm khách mỗi ngày, chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, giá cả cũng phù hợp không xảy ra trình trạng chặt chém du khách.

 

Image
Du khách tham quan cồn Quy. (Ảnh: TTXTDL)

Du khách quốc tế thích khám phá cồn Quy, vì nơi đây có nhiều điều hấp dẫn, trải nghiệm cuộc sống nông thôn yên bình, không ồn ào như ở thành thị, có sông nước, vườn trái cây và người dân thì chất phác, thật thà.

Đến Cồn Quy, du khách sẽ tận hưởng một không gian sông nước hữu tình, thơ mộng và ấm áp. Du thuyền trên sông, đến các điểm du lịch trên cồn như: Hồng Vân, Cồn Quy, Tân Cồn Quy,… thưởng thức trái cây tại vườn, uống tách trà mật ong thơm lừng và thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật dân gian đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Muốn đến cồn Quy, du khách phải thuê tàu du lịch xuôi theo dòng sông Tiền khoảng 30 phút là đến. Cồn Quy quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ vùng sông nước Nam Bộ, nơi mà chưa có một dấu tích nào của cuộc sống thành thị, thiên nhiên trong lành, khí hậu ôn hòa và mát mẻ. Đến cồn Quy, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh bạt ngàn những vườn nhãn, rồi có những vườn cam, vườn bưởi, vườn sa-pô-chê,… Sau những cơn mưa đầu mùa, cồn Quy lại càng đẹp hơn, cây cối xanh tốt hơn. Người ta cảm nhận được sự dịu mát và sức sống mãnh liệt trên cồn.

Du khách đến cồn Quy ngày càng nhiều, các công ty du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh và Bến Tre, trong chương trình tour du lịch của mình đều đưa khách tham quan. Trong những ngày nghỉ cuối tuần, cồn Quy thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Ở đây, người dân tự đầu tư hạ tầng du lịch nên cơ sở vật chất cũng còn nhiều hạn chế nhưng quan trọng là chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ làm hài lòng du khách. Đến đây, du khách sẽ tham gia loại hình du lịch “tát mương bắt cá”, hóa trang thành người nông dân “chân lấm tay bùn”, đi “mò cua, bắt ốc”,… để trải nghiệm cuộc sống miền quê sông nước. Buổi trưa, du khách có thể nằm nghỉ ngơi trên một chiếc võng đong đưa dưới tán lá trong những vườn cây xanh mát. Ngoài ra, du khách cũng có thể tổ chức cắm trại dã ngoại với nhiều hoạt động hấp dẫn. Buổi tối, du khách sẽ được người dân địa phương chèo xuồng đưa du khách đi trong những con rạch nhỏ ngoằn ngèo, với hai bên là rặng dừa nước xanh um, ngắm đom đóm về đêm rất hấp dẫn.

yền đ dã ngoại với nhiều hoạt động ngoại khóa hấp dẫn. Buổi tối, du khách sẽ được người dân địa phương chèo thuyền đHầu hết dịch vụ ở đây đều được làm theo kiểu “lấy công làm lời” nên giá cả rất phải chăng, sẽ làm du khách hài lòng. Tự tay mày mò làm du lịch nên người dân còn bỡ ngỡ và chân chất, đó cũng là nét duyên. Du khách sẽ cảm thấy gần gũi như thể ở nhà mình.

Cồn Quy mùa này rất đông du khách. Tôi theo chân những đoàn khách đến từ các nước khác nhau, cùng trải nghiệm khám phá du lịch cồn Quy với mong muốn sẽ được tìm thấy ở đây những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình khám phá du lịch sông nước miền Tây. Thật vậy, tôi đến cồn Quy với sự ngạc nhiên và bỡ ngỡ trước vẻ đẹp dịu dàng, yên bình của khung cảnh thiên nhiên trên cồn. Tôi và những thành viên trong đoàn bắt gặp hình ảnh những bông bần trắng tím là đà mặt nước, đung đưa trong gió, những rặng dừa xanh um trĩu quả chạy dọc triền sông. Những mái nhà lá đơn sơ, thấp thoáng trong những vườn nhãn trĩu quả. Những cô thôn nữ trong trang phục áo bà ba, quẫy mạnh mái chèo xuôi theo dòng sông Tiền chở đầy ắp những dừa, trái cây,… Đây thật sự là những hình ảnh thật đẹp trên sông nước Bến Tre.

Đến cồn Quy, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản, dân dã đặc sắc như: tép rang dừa, cá bông lau nấu canh chua bần với rau muống đồng, cá điêu hồng hấp nấm mối với bông bí, lẩu cá kèo, cá lóc kho tộ,… Tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ từ dừa với nhiều sản phẩm đa dạng, chọn cho mình những món quà thật ý nghĩa để tặng bạn bè, người thân sau chuyến du lịch khám phá Bến Tre. Chia tay cồn Quy, du khách sẽ trở về nơi ở của mình với biết bao ký ức đáng nhớ về một Bến Tre thân yêu, một vùng đất bạt ngàn dừa. Bến Tre còn đó rất nhiều điểm đến hấp dẫn khác đang chờ du khách khám phá.

Bình luận