Đang xử lý.....

Khóa Sư phạm sơ trung cấp đầu tiên và duy nhất của tỉnh 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Bảy, 20/11/2021, 03:01 (GMT+7) 1147

BDK - Trong mỗi giai đoạn phát triển, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) có nhiệm vụ gắn với một sứ mệnh lịch sử nhưng không ngoài mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ có đủ năng lực phục vụ tốt cho xã hội, đảm đương trách nhiệm xây dựng quê hương đất nước. Sự ra đời và trưởng thành của lớp giáo sinh Khóa Sư phạm sơ trung cấp (1965 - 1966) là mảnh ghép lịch sử không thể thiếu của ngành giáo dục cách mạng tỉnh.

Những người tham gia Khóa Sư phạm sơ trung cấp chụp ảnh lưu niệm trong một lần họp mặt. Ảnh: CTV

Khóa học đặc biệt

Trong ký ức của ông Ngô Hải Phong - nguyên Phó trưởng ty Giáo dục tỉnh, giáo viên Khóa Sư phạm sơ trung cấp (1965 - 1966), đầu năm 1965, Bến Tre cũng như cả nước chiến tranh vô cùng ác liệt. Hồi ấy, GD&ĐT coi là nhiệm vụ chính trị bức thiết. Để phát triển ngành giáo dục lớn mạnh hơn, Tiểu ban Giáo dục tỉnh (tổ chức, chức năng, nhiệm vụ như Sở GD&ĐT ngày nay - PV) có chủ trương thành lập Trường Sư phạm sơ trung cấp chính quy của tỉnh, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho việc mở rộng trường lớp cách mạng ở khắp các vùng giải phóng.

Cuối tháng 6-1965, Tiểu ban Giáo dục tỉnh chiêu sinh và đã khai giảng Khóa Sư phạm sơ trung cấp tại ấp An Trạch Tây, xã Thành Thới, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam). Khóa học có 41 giáo sinh được tập hợp từ nhiều nguồn như: học sinh phổ thông trong vùng giải phóng, một số giáo viên đang dạy tiểu học của huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm và con em của gia đình cách mạng bỏ học trong vùng dịch kiềm kẹp.

Lớp học được tổ chức rất chặt chẽ. Có một Chi bộ Đảng Lao động Việt Nam, một Chi đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Có lớp trưởng, lớp phó, 3 tổ giáo sinh do 3 giáo viên phụ trách. Lớp có cán sự bộ môn, ban văn - thể - mỹ, lao động. Đặc biệt thành lập tổ vũ trang, trang bị súng, đạn. Học sinh từ 17 tuổi vào lớp này được học đủ các môn học phổ thông và cả nghiệp vụ sư phạm.

Bà Trần Thị Ngọc Diệu - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, giáo sinh Khóa Sư phạm sơ trung cấp kể: Hồi đó, trước khi khai giảng năm học, giáo viên cùng với giáo sinh xin lá dừa, cây của dân xây cất trường lớp, đào hầm tránh bom đạn. Trường như đơn vị tác chiến độc lập, địch đánh phá ban ngày, trường học ban đêm. Với phương châm nơi nào có vùng giải phóng, nơi đó có trường lớp cách mạng, địch càn quét nơi này, trường dời địa điểm qua địa phương khác. “Ngày đó, ai đi học không có tiền thì quần chúng nhân dân nuôi. Giáo sinh đi học về cùng người dân lao động, đi đánh lá mía, vác mía, đi cấy… gây quỹ cho lớp. Cực khổ, vất vả mà ai nấy háo hức, học hành chăm chỉ, hăng say lao động, rất nhiệt huyết không ai muốn rút lui”, bà Trần Thị Ngọc Diệu phấn khởi kể.

Trong vòng 12 tháng, trụ sở trường phải di dời 4 điểm chính, 3 điểm phụ. Điểm cuối cùng trường về xã Lương Phú (Giồng Trôm) nhưng bị bỏ bom dữ dội. Lúc này, các giáo sinh chia làm 3 đoàn đi thực tập tại: Long Mỹ, Phước Long, Tân Hào (Giồng Trôm). Khi thực tập xong trở về trường tiếp tục học để thi tốt nghiệp. Kết quả, 100% giáo sinh thi đậu và hoàn thành nội dung chương trình khóa học một cách xuất sắc.

Vẹn nguyên ký ức hào hùng

Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quyết tâm chỉ đạo sát sao của Tiểu ban Giáo dục, cùng với sự yêu thương đùm bọc, che chở của người dân, của cấp ủy, chính quyền nơi trường đóng quân lúc bấy giờ đã sản sinh ra những con người kiên cường đánh Mỹ cứu nước, với nhiều nhiệm vụ khác nhau mà Đảng cần, tổ chức phân công. Theo ông Ngô Hải Phong, những giáo sinh hồi ấy trở thành những cán bộ, lãnh đạo trong và ngoài ngành giáo dục. Một số trong số đó đã trở thành cán bộ, lãnh đạo, là sĩ quan trung cao cấp trong quân đội và công an, là đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ Ban Tuyên giáo, đại biểu HĐND các cấp…

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, giáo sinh Khóa Sư phạm sơ trung cấp cho hay: Tuy khóa sư phạm đầu tiên nhưng nội dung chương trình đào tạo rất toàn diện, phong phú. Có thời gian dài học đủ các môn: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục, phương pháp dạy học, tâm lý giáo dục, dạy thực hành. Đặc biệt, người học được trải nghiệm rất nhiều thực tiễn trong chiến tranh. Khi có giặc càn quét, số nữ sinh “hợp pháp” trà trộn trong dân được người dân che chở, số nam nữ “bất hợp pháp” trốn vào hầm bí mật hoặc đi theo các lực lượng khác chạy càn. Số có vũ trang kết hợp với du kích “chống càn” bắn trả để tự vệ, hoặc bắn máy bay khi nó thả bom xuống trường.

Tháng 6-1966, giáo sinh hăng hái, phấn khởi nhận quyết định phân công công tác của Tiểu ban Giáo dục tỉnh về làm giáo viên ở các trường phổ thông cấp I, cấp II trong toàn tỉnh. Ngày ra trường, có đoàn giáo viên mới đi nhận nhiệm vụ dạy học ở huyện Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành phải qua tỉnh lộ Lương Hòa - Phong Nẫm, Phong Mỹ, cả đoàn vướng trái nổ của giặc gài làm bị thương 4 người. Khó khăn, nguy hiểm nhưng các giáo sinh vẫn không hề nao núng, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nguyên Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa VII và khóa VIII, giáo sinh của Khóa Sư phạm sơ trung cấp Hồ Thị Hồng Nhung cho biết: “Ra đời trong bão lửa chiến tranh, khóa học này rất đặc biệt, là lớp đầu tiên cũng là cuối cùng của tỉnh. Ra trường dạy được vài năm, lúc bấy giờ, giặc tấn công dữ dội, ngành giáo dục tản ra nhỏ lẻ, làm từng phong trào nhỏ và làm công tác trí vận để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968. Các giáo sinh lúc bấy giờ không còn trực tiếp huy động lớp dạy mà phải xung vào trận chiến ác liệt hơn”.

Bà Hồ Thị Hồng Nhung cho biết, kể từ ngày giáo sinh khóa học chia tay nhau đến nay, chưa có tư liệu nào ghi chép lại khóa học này. Trong giai đoạn ấy, khóa học đã góp phần tích cực phát triển giáo dục của tỉnh, lá cờ đầu trong phong trào giáo dục cách mạng Trung Nam Bộ. Sau Khóa Sư phạm sơ trung cấp của tỉnh, tại Bến Tre có nhiều lớp sư phạm ra đời do Khu Trung Nam Bộ mở tại tỉnh, giáo sinh của cả khu vực.

Trong hồi ức của các cựu giáo sinh thời ấy, chặng đường xây dựng và trưởng thành của Khóa Sư phạm sơ trung cấp với những câu chuyện tưởng là huyền thoại nhưng đây là ký ức không thể xóa nhòa. Những dấu ấn tốt đẹp, một thời oanh liệt của giáo sinh góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử xây dựng và phát triển nền giáo dục cách mạng của tỉnh. Điều này rất đáng ghi nhận, lưu truyền, góp phần hun đúc những thế hệ giáo sinh đầy bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng phát triển ngành GD&ĐT quê hương xứ Dừa.

“Với thành tích của thầy trò Trường Sư phạm sơ trung cấp, Đảng, Nhà nước khen và tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương quý báu. Tổ quốc ghi công 9 thầy trò là liệt sĩ chống Mỹ cứu nước gồm: 2 giáo viên và 7 giáo sinh”.

(Ông Ngô Hải Phong - nguyên Phó trưởng ty Giáo dục tỉnh Bến Tre, giáo viên Khóa Sư phạm 1965 - 1966 tỉnh Bến Tre)

Bình luận