Đang xử lý.....

Truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Tư, 07/12/2016, 05:52 (GMT+7) 3252

TRUYỀN THỐNG 70 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG (LLVT) TỈNH BẾN TRE

(12/02/1946- 12/02/2016)

Đại tá Trần Quốc Việt

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh


1. Lực lượng vũ trang Bến Tre thời kỳ đầu kháng chiến (Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến đầu năm 1946)

Sau thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày mùng 2 tháng 9 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc Việt Nam nói chung, nhân dân Bến Tre nói riêng được sống trong hòa bình, tự do, độc lập và thực sự được làm chủ cuộc đời mình, làm chủ đất nước mình.

 

Cùng với việc thiết lập bộ máy, củng cố xây dựng chính quyền cách mạng, Tỉnh ủy hết sức quan tâm xây dựng LLVT, nhiều cán bộ của Đảng được Tỉnh ủy điều sang lãnh đạo, chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu. Vì thế, LLVT trong thời kỳ này chính là lực lượng tin cậy nhất, sát cánh chiến đấu bên Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ nhân dân.

Hòa bình chưa được bao lâu, đêm 22 rạng 23/9/1945 quân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn - trở lại xâm lược đất nước ta lần thứ 2, quân và dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 08 tháng 02 năm 1946 lực lượng hỗn hợp gồm bộ binh, tàu chiến có máy bay yểm trợ, quân Pháp tấn công đánh chiếm Bến Tre. Trước tình thế khó khăn, ác liệt và phức tạp các cơ quan lãnh đạo của tỉnh cùng một số LLVT ta phải lùi về các xã Thạnh Phú Đông, Phước Long, Tân Hào, Hưng Lễ củng cố lực lượng, xây dựng thế trận đánh trả, tiêu hao sinh lực địch.

Đối với LLVT tỉnh, tuy không ngăn được sự xâm lược của bọn thực dân phải lùi về vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ để xây dựng lực lượng, chuẩn bị chiến đấu… đối với các đội dân quân, tự vệ xã, ấp thì xây dựng kế hoạch đánh địch, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu được các cấp uỷ Đảng phân công cụ thể cho từng tổ, đơn vị đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ. Cùng với quyết tâm chiến đấu của LLVT, tinh thần kháng chiến chống xâm lược trong nhân dân được đẩy mạnh đến cao độ biểu hiện như Tân Hào, Tân Thanh đồng bào tự phá vỡ nhà cửa của mình nhằm thực hiện “vườn không - nhà trống”, không để giặc chiếm làm nơi đóng quân hoặc động viên con em mình tham gia kháng chiến.

Quân xâm lược tuy chiếm được tỉnh Bến Tre nhưng tổ chức Đảng và sự lãnh đạo của Đảng tại Bến Tre vẫn còn, chính quyền cách mạng, các đoàn thể, nhân dân tại các vùng căn cứ kháng chiến vẫn còn cho nên sự ra đời của các lực lượng vũ trang cách mạng là một yêu cầu tất yếu khách quan nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ sinh mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là trực tiếp chiến đấu tiêu diệt quân xâm lược giữ đất, giữ làng.

2. Đội Du kích Tân Hào ra đời, mở đầu trang sử vàng truyền thống của LLVT Bến Tre (12/02/1946)

Chỉ sau bốn ngày giặc tạm chiếm, ngày 12 tháng 2 năm 1946 tại chợ Hương Điểm (Tân Hào) huyện Giồng Trôm, đội du kích Tân Hào được thành lập, gồm 36 đồng chí, hầu hết là những thanh niên cường tráng xuất thân từ giai cấp bần nông, giàu lòng yêu nước, có ý chí căm thù giặc, tự nguyện chiến đấu bảo vệ làng xã, do đồng chí Đồng Văn Cống (Bảy Cống) -  Bí thư chi bộ xã làm đội trưởng, đồng chí Hồ Chấn làm đội phó. Trang bị ban đầu chỉ có 4 súng lửa (súng săn) một ít lựu đạn do Sở Tạo Tác cung cấp, còn lại là mã tấu, gậy gộc … quần áo đơn sơ do cá nhân mang theo từ gia đình, mùng màn chỉ là chiếc nóp (loại đệm phơi lúa của nông dân do từng chiến sĩ tự kết lại để ngủ), ăn uống sinh hoạt hàng ngày do nhân dân giúp đỡ, đặc biệt một số gia đình giàu có nhiệt tình ủng hộ tiền bạc, lương thực, thực phẩm nuôi quân kháng chiến. Sau khi thành lập, đội du kích Tân Hào bước vào chiến đấu ngay.

Ngày 12 tháng 2 năm 1946 một trung đội lính Lê Dương do hai tên việt gian dẫn đường càn vào Long Mỹ, Tân Hào cướp bóc, bắn giết đồng bào. Đến đầu cầu Bà Ba Ngởi (Tân Hào) bị lực lượng tự vệ ta chặn đánh, trung đội này bị tiêu hao chúng kéo vào đóng quân tại chợ Hương Điểm. Tối đến, đồng chí Đồng Văn Cống chỉ huy đội du kích tập kích vào đội hình của quân Pháp tiêu diệt một số tên, các tên còn lại chạy thoát thân, ta giành thắng lợi ngay trận đầu.

Ngày 17 tháng 3 năm 1946 đồng chí Đồng Văn Cống sử dụng một tiểu đội với trang bị 4 súng lửa, 1 mã tấu, 3 quả lựu đạn phục kích tại đầu cầu Tiệm (Tân Hào) đánh 4 tên lính ngụy đi từ Thạnh Phú Đông về Giồng Trôm trên một chiếc xe ngựa, diệt tại chỗ 1 tên còn lại 3 tên chạy thoát, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, thu 2 súng trường. Đầu tháng 4/1946 đội du kích Tân Hào tiếp tục phục kích tại Giồng Chủ (Tân Hào) diệt gọn 1 tiểu đội ngụy thu 8 súng trường.

Với những trận ra quân đầu tiên giành thắng lợi, diệt được địch, thu nhiều vũ khí, đội du kích Tân Hào dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Đồng Văn Cống tạo được niềm tin sức mạnh vũ trang nhân dân, nhiều thanh niên trong xã và các xã lân cận xung phong gia nhập vào lực lượng vũ trang. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm gan dạ, khôn khéo, với sở trường lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn giành thắng lợi liên tiếp, Bộ đội ông Cống đã làm cho quân Pháp khiếp sợ, còn nhân dân thì tin yêu đặt tên cho đội du kích Tân Hào là “Bộ đội ông Cống”.

Cùng với Bộ đội ông Cống giành thắng lợi ở Tân Hào các LLVT khắp nơi trong tỉnh như: Bộ đội anh Tá, anh Phải, anh Kích (Châu Hòa), bộ đội Sáu Xem (Mỏ Cày), bộ đội Bùi Sĩ Hùng (Bình Đại), bộ đội Mười Chót (Ba Tri), các đội du kích Hiệp Hưng, Bình Hòa, Nhuận Phú Tân, Hòa Lộc… cũng lập được nhiều chiến công, góp phần xây dựng nên truyền thống của LLVT tỉnh nhà trong những ngày đầu chống Pháp.

Ngày 01/5/1946 Huyện ủy Giồng Trôm quyết định rút trung đội du kích Tân Hào xây dựng thành trung đội vũ trang đầu tiên của huyện, đồng chí Đồng Văn Cống - Bí thư xã Tân Hào cũng được Huyện ủy Giồng Trôm điều hẳn về huyện giao nhiệm vụ trung đội trưởng trung đội vũ trang của huyện.

Tình hình địch ở Bến Tre lúc này, sau khi ổn định tổ chức, chúng bung ra đóng đồn bót khắp các xã tạm chiếm, thường xuyên ruồng bố, bắn giết, cướp bóc tài sản của nhân dân.

Trước tình hình trên, chấp hành chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Giồng Trôm giao nhiệm vụ cho bộ đội huyện xây dựng kế hoạch đánh địch trên địa bàn. Đồng chí Đồng Văn Cống đưa bộ đội về đứng chân tại các xã Châu Bình, Châu Hòa, Phong Mỹ sẵn sàng đánh địch.

Sáu giờ sáng ngày 10/5/1946, được tin một trung đội Pháp có trang bị súng trung liên từ Giồng Trôm hành quân đến Phong Mỹ. Đồng chí Đồng Văn Cống chỉ huy lực lượng, chuẩn bị trận địa dọc theo trục đường liên xã Phong Mỹ - Châu Hòa sẵn sàng đánh địch. Tuy nhiên bọn địch không đi bằng đường bộ mà đi bằng đường sông vào rạch Châu Phú (Châu Hòa) để đến Phong Mỹ. Đồng chí Đồng Văn Cống ra lệnh cho bộ đội thay đổi kế hoạch chiến đấu, nhanh chóng phục kích ven rạch Châu Phú, vừa triển khai lực lượng xong, quân Pháp cũng vừa lọt vào trận địa. Trung đội trưởng Đồng Văn Cống nổ phát súng lệnh tấn công, lập tức toàn mặt trận đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ địch hốt hoảng cập xuồng nhảy lên bờ chạy tán loạn, bộ đội ta xung phong truy kích tiêu diệt tại chỗ 11 tên, số còn lại quăng súng chạy thoát thân. Ta thu tại trận 12 súng các loại (trong đó có 1 khẩu mis, 1 khẩu trung liên), ta hy sinh 01 đồng chí (Lê Tẩu).

Cuối tháng 5 năm 1946 trung đội vũ trang của huyện phát triển đến 80 đồng chí, được trang bị vũ khí tương đối, trong đó có 2 trung liên, 22 súng trường và nhiều lựu đạn là chiến lợi phẩm trong các trận đánh.

Cuối tháng 9/1946, thực hiện chủ trương của Quân khu 8 và Xứ ủy Nam Bộ, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định điều trung đội vũ trang của huyện Giồng Trôm về tỉnh thành lập đơn vị Vệ quốc đoàn, mang phiên hiệu chi đội 19 do Đồng Văn Cống làm chi đội trưởng, đồng chí Nguyễn Công Trung làm Chính trị viên. Chi đội gồm 6 phân đội, đặc biệt có 1 phân đội chiến sĩ quốc tế (gồm người: Đức, Pháp, Angeri, Marốc, Nhật).

Phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Đội du kích Tân Hào, chi đội 19 ra quân đánh đồn Nhà Giấy tại xã Lộc Thuận (Bình Đại), do tên Lơ-Roa ác ôn khét tiếng chỉ huy, trận đánh diễn ra rất nhanh gọn và giành thắng lợi giòn dã, diệt gần 50 tên địch, thu 40 súng,  tên Lơ-Roa bị thương nặng; trong trận này có hai nông dân tham gia lập công cùng bộ đội đó là ông Mười Tại ở Lộc Thuận dùng đòn gánh diệt 1 tên lính Pháp và ông Hồ Văn Bỉ ở Phú Vang dùng cây chặn đường đập chết 01 tên lính ngụy thu 01 súng.

Ngày 23/6/1947 theo quyết định của Khu bộ trưởng – Khu 8 (Tư lệnh Quân khu ngày nay) chi đội 19 được bổ sung thêm một số đơn vị để thành lập Trung đoàn 99. Ban chỉ huy Trung đoàn gồm các đồng chí: Đồng Văn Cống – Trung đoàn trưởng, Võ Văn Thời – Chính trị viên, Bùi Sĩ Hùng – Trung đoàn phó. Trung đoàn 99 gồm 2 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 285 do đồng chí Lê Văn Tá làm Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 297 do đồng chí Tài Đen làm Tiểu đoàn trưởng) và các phân đội trực thuộc. Có lực lượng bộ đội tập trung phối thuộc với bộ đội địa phương, dân quân, du kích xã hoạt động mạnh mẽ hơn, khắp nơi trong tỉnh đều thực hiện các trận đánh nhỏ bao vây đồn giặc, chặn đánh quân cứu viện đi càn... phong trào diệt ác, trừ gian phát triển. Ban Chỉ huy Trung đoàn 99 chỉ đạo các lực lượng vũ trang đẩy mạnh hoạt động quân sự phát động nhân dân tiếp tục thực hiện tiêu thổ kháng chiến đồng thời tăng cường công tác binh vận, gây dựng cơ sở trong lòng địch, đánh địch, giữ đất, giữ dân.

Cuối năm 1949, địch đã chốt 468 đồn tua trong toàn tỉnh Bến Tre, vùng giải phóng của ta thu hẹp dần. Cán bộ, đảng viên, du kích, các đơn vị bộ đội tập trung huyện, tỉnh phân tán bám xã, ấp, giữ thế xen kẻ cày răng lược giữa ta và địch. Đến đầu năm 1950 Trung đoàn 99 hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình được tập trung lực lượng thành lập các trung đoàn chủ lực Quân khu theo tinh thần nghị quyết hội nghị quân sự Nam bộ.

Đồng chí Đồng Văn Cống Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 được điều động về Quân khu nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Phan Vũ Hòa được thay thế đồng chí Đồng Văn Cống làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 sau đó được chuyển sang giữ chức Tỉnh đội trưởng Bến Tre, đồng chí Khổng Tước làm chính trị viên Tỉnh đội, đồng chí Nguyễn Tấn Diệp (Ri) làm tỉnh đội phó. Về lực lượng tỉnh xây dựng 2 lực lượng cơ động (Đại đội 1 và Đại đội 2) ở mỗi huyện có đủ 1 Trung đội, ở mỗi xã có từ một đến 2 tiểu đội du kích, riêng vùng ven thị xã (thành phố Bến Tre ngày nay) có 2 tổ du kích mật. Các huyện đội, xã đội cũng được kiện toàn.

Đầu năm 1950, bằng công tác Ngụy địch vận kết hợp tấn công quân sự ta đã lấy được một số đồn bót, thu được vũ khí khống chế gần 50% tề xã, tề ấp ở Bình Đại, Ba Tri... đặc biệt là tạo được sự kiện binh biến lớn trong lực lượng Hòa Hảo do Mã Kim Sơn chỉ huy chiếm được hàng loạt đồn bót ở Châu Bình thu hàng trăm súng, đưa trên một trăm quân Hòa Hảo về với kháng chiến thực hiện thắng lợi chiến dịch Bến Tre (tháng 5 năm 1950) diệt 04 đồn.... trong đó có đồn Lò Heo (Cái Mơn) giải phóng một số xã ở Cù lao Minh. Các tiểu đoàn quân khu tham gia chiến dịch (307, 308, 310) tiêu diệt gọn nhiều đại đội địch ở Vĩnh Hoà (Chợ Lách), Tân Trung, Minh Đức (Mỏ Cày) thu hàng trăm súng các loại.

Đầu năm 1951 thực hiện phân chia lại chiến trường theo chủ trương của Trung ương cục Bến Tre thuộc về phân liên khu miền tây, Tỉnh ủy Bến Tre chỉ thị cho các chi bộ “ly xã về xã, ly huyện về huyện” để củng cố lại phong trào cách mạng. Đồng chí Đồng Văn Cống được tư lệnh Quân khu miền Tây chỉ định giữ chức tỉnh đội trưởng Bến Tre thay cho đồng chí Phan Vũ Hoà.

Đến đây, bộ máy quân sự và lực lượng vũ trang Bến Tre đã hoàn chỉnh, duy trì tốt mọi hoạt động chiến đấu; phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh, phong trào đấu tranh quần chúng được khôi phục, nhiều căn cứ chiến đấu được khôi phục lại. Ngày 07 tháng 01 năm 1953, tại căn cứ Thừa Đức, Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh tấn công địch, mở rộng địa bàn cùng cả nước bước vào chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954. Thực hiện chủ trương Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang tỉnh kết hợp với địa phương các đợt hoạt động thường xuyên liên tục và đều khắp, đánh tập trung kết hợp nhỏ lẻ, đánh sâu trong lòng địch dồn địch vào thế bị động, ta chuyển được nhiều vùng bị chiếm thành vùng du kích và vùng giải phóng, giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch Thu Đông góp phần tích cực để làm nên thắng lợi Đông Xuân, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, lực lượng vũ trang Bến Tre phải rời chiến trường, chuyển quân tập kết theo điều khoản hiệp định đình chiến ở miền Bắc, số còn lại chuyển vào hoạt động bí mật đề phòng bất trắc khi địch cố ý phá hoại hiệp định Pari. Thật vậy, hiệp định ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã nhảy vào thay chân thực dân Pháp dựng nên chính quyền bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm tại miền Nam hòng tiêu diệt cộng sản, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Bến Tre là một trong những tỉnh trọng điểm của Mỹ Diệm thực thi chiến lược thực dân mới. Hàng ngàn đồng chí bị bắn giết, tù đày tra tấn dã man, phong trào cách mạng rơi vào thế thoái trào. Luật 10/59 lê máy chém khắp nơi và hiện máy chém còn tại Đình Bình Hòa, huyện Giồng Trôm.

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (12/1959). Cách mạng miền Nam nói chung, Bến Tre nói riêng đã vùng lên vũ trang khởi nghĩa.

Ngày 17/01/1960 tại 03 xã điểm: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp huyện Mỏ Cày, Đảng bộ, nhân dân và LLVT nhân dân Bến Tre đã Đồng khởi giành thắng lợi trọn vẹn. Từ 17 đến 24/01/1960 phong trào Đồng Khởi đồng loạt nổi dậy khắp các huyện trong tỉnh, các tổ, đội hành động và lực lượng xung kích kết hợp với cơ sở nội tuyến diệt ác, phá kìm, diệt đồn, đập tan hệ thống kềm kẹp của địch giành quyền làm chủ xã, ấp, phát triển thành cao trào chiến tranh cách mạng, giải phóng dân tộc trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau thắng lợi Đồng Khởi, Tỉnh ủy chọn một số cán bộ tiêu biểu, lập đội vũ trang đầu tiên của tỉnh mang phiên hiệu Đại đội 264. Ban chỉ huy Đại đội gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Song (Bảy Song), Lê Văn Ba (Mười Phục) và Đinh Văn Chức (Tám Chức); Đại đội 269. Ban chỉ huy gồm các đồng chí: Trần Khắc Chung (Sáu Chung), Trần Văn Bì (Vệ Quốc), Nguyễn Hữu Vị (Tám Vị). Hai Đại đội phối hợp đánh phục kích địch trên đường từ Phước Hiệp sang Định Thủy- Rạch cầu Ông Bồng diệt 47 tên địch (có 01 trung úy) thu 20 súng (có 02 trung liên). Tiếp theo đó ta đánh bại cuộc càn quét qui mô lớn với gần 10.000 quân hỗn hợp do Đỗ Cao Trí chỉ huy tại 03 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh diệt trên 200 tên địch làm bị thương hàng trăm tên khác. Càng đánh càng mạnh, càng đánh càng phát triển, từ 01 Đại đội thành lập sau Đồng Khởi phát triển thành nhiều Đại đội, làm cơ sở để ngày 15/4/1964, tỉnh thành lập Tiểu đoàn 516, ngay sau khi thành lập đánh đồn Tổng Huẩn (xã Tân Thủy, huyện Ba Tri) tiêu diệt trên 30 tên, bắt sống 20 tên thu gần 50 súng các loại, ta hy sinh 01, bị thương 08 đồng chí.

Sang tháng 6/1964 đánh đồn An Hóa (huyện Châu Thành) diệt toàn bộ đồn thu toàn bộ vũ khí, ta không hy sinh, chỉ bị thương 06 đồng chí.

Đến tháng 8/1964 kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 ta đánh đồn Thành Triệu (Lộ Thơ), diệt gọn 01 Tiểu đoàn địch bắt 56 tên thu gần 300 súng.

Sau đó chống càn tại Trường Đa, An Khánh...huyện Châu Thành diệt tên 200 tên. Trong trận này có đồng chí Sơn Đại đội 2 khi chống càn đồng chí bị lấy 01 Trung liên. Sau đó, đồng chí đánh lại và lấy lại Trung liên bị mất, thu thêm 01 Trung liên (đồng chí Sơn sau này bị thương nặng gửi về Long Mỹ, huyện Giồng Trôm trị bệnh sau đó đồng chí hy sinh).

Bất kể đơn vị nào vừa thành lập xong đều có thành tích.

Năm 1972 có Trung đoàn Đồng Khởi thành lập xong diệt gọn Tiểu đoàn 454 trên sông Hàm Luông (đoạn Bình Khánh, Định Thủy) đánh chìm và cháy 06 tàu. Sau đó vài ngày diệt càn ở Bình Khánh tại ấp Phước Lý, Phước Tân...diệt trên 300 tên địch và tiêu diệt đoàn xe M113 trên đoạn cầu Mương Điều. Đây là trận đánh xe đầu tiên của Trung đoàn Đồng Khởi vỏn vẹn chưa được 30 đồng chí, đánh diệt 4 xe, có 01 tên chiến đoàn trưởng Trung tá, 01 tên chiến đoàn phó Thiếu tá và gần 40 tên khác.

Phát triển không ngừng thành các Tiểu đoàn, Đại đội độc lập, đáp ứng yêu cầu chiến đấu. Đến năm 1968 Bến Tre có chiến đoàn, năm 1972 có Trung đoàn Đồng Khởi.

Dù Đại đội, Tiểu đoàn hay Trung đoàn, đơn vị nào cũng lập được nhiều thành tích vẻ vang, nêu cao được truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, của quê hương Đồng Khởi anh hùng, với chiến công vang dội ở Gò Keo (Giồng Trôm), cuộc hành quân “Phượng hoàng TG1” ở Thạnh Phú, diệt Tiểu đoàn “Ó đỏ” ở Ba Tri, “Ó vàng” ở Mỏ Cày, “Cọp đen” ở Lộ Thơ - Thành Triệu (Châu Thành). Cuộc càn “Sóng thần 5” diệt hạm đội nhỏ trên sông, tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), đánh bại chiến dịch Bình Định của địch (1969-1971), đánh bại chiến đoàn A Bảo An ngụy, mở mảng Mỏ Cày tạo đà phản công và tiến công mùa khô (1973-1974) phối hợp chiến trường chung đẩy mạnh tiến công địch trong chiến dịch Đông Xuân (1974-1975) mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Bến Tre góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4/1975.

3. Lực lượng vũ trang Bến Tre trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa:

Kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hòa bình chưa được bao lâu, LLVT Bến Tre lại cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà bước vào cuộc chiến đấu mới - chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia:

Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Tư lệnh Quân khu 9 và chủ trương của Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cấp tốc hành quân lên biên giới tham gia chiến đấu cùng các đơn vị của Quân khu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đơn vị đi dầu là Tiểu đoàn 516 gồm 415 đồng chí do Đoàn Văn Vọng (Năm Sơn) làm Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Văn Nhậm (Tấn Hùng) chính trị viên, Nguyễn Văn Xà (Mười Cao) Phó chính trị viên, Đặng Văn Tòng (Tư Tòng) làm Tiểu đoàn phó. Do chuẩn bị chu đáo nên vừa đến biên giới Tiểu đoàn 516 đã tổ chức chiến đấu được ngay. Sau Tiểu đoàn 516, Bến Tre tiếp tục xây dựng và đưa thêm các đơn vị Tiểu đoàn 516 B, Tiểu đoàn 263, Tiểu đoàn 263 B, các tiểu đoàn liên quân các huyện, thị luân phiên chiến đấu bảo vệ biên giới. Tổng quân số các tiểu đoàn của tỉnh tăng cường chiến đấu bảo vệ biên giới còn đến 1.200 cán bộ, chiến sĩ.

Tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, lực lượng vũ trang Bến Tre trực tiếp chiến đấu 40 trận, tiêu diệt và bắt sống 119 tên địch, thu 281 súng các loại, đã góp phần giữ vững vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì nghĩa vụ quốc tế của Đảng, vì biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Bến Tre nổ lực xây dựng mới các Tiểu đoàn: 516B, 516E, 263B, 179, 279, 779, 879 và 979, tổng quân số gần 5.000 quân và đưa tiểu đoàn 516E, gồm 600 quân tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Đặc biệt Tiểu đoàn 516 E đi phía Bắc lúc đó có nhiều học sinh đang học lớp 12 đăng ký tình nguyện, được Giám đốc Sở giáo dục Bến Tre ký đặc cách tốt nghiệp tú tài. Hiện còn đang công tác sau khi hoàn thành nhiệm vụ phía Bắc về là  đồng chí Võ Thành Hạo đang là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế  giúp bạn Campuchia, tỉnh Bến Tre đã đưa hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn, đánh 23 trận, tiêu diệt và làm bị thương 1.215 tên, bắt sống 804 tên. Thu 2.670 súng các loại (có cả pháo 105mm và súng phòng không 12,7mm), 18 tấn đạn; phương tiện thu được 3 xe tăng M113, 01 xe Dose, 01 Jeep, 3 xuồng máy và nhiều loại máy thông tin liên lạc. Phá vỡ 118 vụ án tổ chức chính quyền hai mặt, bắt 1.371 tên, tự đầu thú 2.983 tên.

Ta đã giúp bạn: Xây dựng 01 Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, 12 huyện, thị đội, 159 đội vũ trang công tác, 23 đại đội hai chức năng, 1.179 lực lượng vũ trang huyện (thị): 164 xã, phường đội, 164 trung đội dân quân (3.564 lực lượng), gồm 70.000 dân quân rộng rãi. Lực lượng vũ trang Bến Tre đã tiết kiệm được 2.578 tấn gạo, 3.105 tấn lương thực khác để cứu đói cho nhân dân Campuchia (tổng số 1.829.977 người), khám và cấp thuốc điều trị bệnh miễn phí cho 128.320 người dân Campuchia, đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa Bộ đội tình nguyện Việt Nam và nhân dân Campuchia.

Qua 10 năm làm công tác giúp bạn Campuchia, lực lượng vũ trang Bến Tre có 02 tiểu đoàn, 3 cá nhân được Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng, được tặng thưởng 11 Huân chương tập thể, 8.370 bằng khen, giấy khen tập thể và cá nhân.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, năm 1989, LLVT Bến Tre tập trung xây dựng chính quy - biên chế tinh gọn, có quân số thường trực hợp lý, xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, sẵn sàng chiến đấu cao. Về nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương trong những năm gần đây cùng với việc củng cố nâng cao chất lượng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, LLVT còn phải đề cao cảnh giác phòng chống âm mưu diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, chúng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước ta để chia rẻ nội bộ, gây mất đoàn kết dân tộc.

Qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT Bến Tre luôn xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Gần ba phần tư Thế kỷ xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng, LLVT Bến Tre đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng và truyền thống Quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, truyền thống vẻ vang của quê hương “Anh dũng, Đồng Khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”, xứng đáng với lời khen tặng của Tỉnh ủy Bến Tre nhân 65 năm Ngày Truyền thống LLVT Bến Tre “Phát huy truyền thống hai lần Anh hùng, đoàn kết, hiệp đồng, vượt khó,  tiến công”. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT nhân dân tỉnh Bến Tre rất vinh dự và tự hào khi Lực lượng vũ trang Bến Tre 02 lần được tuyên dương Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (1978, 2009), có 158 đơn vị, địa phương được nhà nước phong tặng Danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân; 85 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, có 6.594 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 506 Mẹ); hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ được các cấp tặng thưởng huân, huy chương các loại và các danh hiệu dũng sỹ, chiến sĩ thi đua các cấp. Đặc biệt có 25 đồng chí quê hương Bến Tre được phong quân hàm cấp tướng trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh Bến Tre đã được tặng thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh.

- Huân chương Ăngko

- Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba

- Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba

- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba

- Hàng chục Huân, Huy chương các loại.

- Hàng chục cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và UBND tỉnh Bến Tre.

Tự hào với truyền thống LLVT hai lần Anh hùng, thế hệ trẻ hôm nay, nguyện noi gương cha anh đi trước, các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đầu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, của quê hương Đồng Khởi anh hùng và của LLVT Bến Tre anh hùng./.

Bình luận