Đang xử lý.....

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Bảy, 20/01/2024, 14:58 (GMT+7) 1537
|
Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự nỗ lực quyết tâm tập thể lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường, ngày 30 tháng 6 năm 2023 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định Số 1407/QĐ-UBND công nhận Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Huệ đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười trao bằng công nhận chuẩn quốc gia cho lãnh đạo nhà trường

Kể về quá trình xây dựng, phát triển để đạt trường chuẩn quốc gia Bà Phan Thị Thúy Hằng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết như sau:

Về quá trình hình thành và phát triển

Trường THPT Nguyễn Huệ được thành lập theo Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2008 của UBND tỉnh Bến Tre. Trường tọa lạc tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Trong thời gian chờ xây dựng trường mới, trường tạm hoạt động tại cơ sở cũ của Trường PTTH Bán công Châu Thành B, tại ấp Tiên Đông Thượng, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với diện tích 3.850 m2, 12 phòng học (5 phòng cấp 3, 4 phòng cấp 4, 3 phòng tạm), 2 phòng vi tính, 1 phòng thiết bị, 1 phòng thư viện, 5 phòng hành chánh và 3 phòng thí nghiệm thực hành.

Điểm trường mới được đưa vào sử dụng năm học 2019 - 2020

 Năm học 2019 - 2020, trường dời về xã Phú Túc tại tọa độ 100 18’28,5”N 1060 15’46,5”E với cơ sở vật chất khang trang, có tổng diện tích là 11.370 m2. Trường có 21 phòng học, cơ bản đủ các phòng chức năng, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu cho hoạt động giáo dục. Năm học đầu tiên tại cơ sở mới mới, trường có 17 lớp với 708 học sinh. Nhằm đạt mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới của huyện Châu Thành, nhà trường đã xây dựng kế hoạch trường đạt kiểm định chất lượng, công nhận chuẩn quốc gia. Với sự quyết tâm và nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường đã đạt nhiều thành tích trong các năm học vừa qua. Đến năm học 2023-2024 quy mô trường lớp được mở rộng, trường có 25 lớp với 1027 học sinh.

Về quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Bà Hằng cho biết, ngoài việc có được cơ sở vật chất khá đầy đủ và khang trang, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là có công sức rất lớn của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường, mỗi thành viên của trường phải chung tay chăm chút, tu bổ để giữ trường luôn xanh – sạch – đẹp, mỗi thầy cô giáo phải nổ lực bồi dưỡng chuyên môn, đáp ứng được mục tiêu giáo dục của ngành đề ra, thân thiện với học sinh, phụ huynh. Từ đó, góp phần hoàn thành các tiêu chuẩn, tiêu chí cần đạt được của trường chuẩn quốc gia.

Song song với quá trình nổ lực về quản lý và dạy học, tu bổ cơ sở vật chất, để được đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia nhà trường cần phải thực hiện đầy đủ quy trình tự đánh giá như sau:

- Thành lập Hội đồng Tự đánh giá (HĐTĐG): HĐTĐG gồm cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, đại diện các tổ chức đoàn thể và một số giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường. Phân công nhóm thư ký và các nhóm công tác để thực hiện quá trình tự đánh giá.

-  Xây dựng kế hoạch tự đánh giá: Chủ tịch HĐTĐG phê duyệt bao gồm các nội dung: Mục đích và phạm vi tự đánh giá; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; dự kiến các nguồn lực và thời điểm cần huy động; công cụ đánh giá; dự kiến các thông tin và minh chứng cần thu thập cho từng tiêu chí; thời gian biểu cho từng hoạt động (bao gồm thời gian cần thiết để triển khai tự đánh giá và lịch trình thực hiện các hoạt động cụ thể).

- Tổ chức tập huấn về công tác kiểm định: Nhà trường đã tổ chức 02 cuộc tập huấn cho các thành viên HĐTĐG, nội dung chủ yếu gồm những quy định mới của Bộ GDĐT về công tác kiểm định chất lượng giáo dục trường THPT. Phân tích nội hàm và hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường THPT, kỹ thuật thu thập và xử lý thông tin minh chứng, viết báo cáo đánh giá các tiêu chí.

- Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng: Căn cứ Thông tư 18/2018/TT-BGDDT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và Công văn Số 5932/BGDĐT-QLCL về việc hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông các hướng dẫn xác định nội hàm, tìm thông tin và minh chứng gợi ý cho từng tiêu chí, chỉ đạo các nhóm công tác tiến hành lập danh mục và thu thập thông tin minh chứng theo các tiêu chí được phân công. Các minh chứng được sắp xếp theo thứ tự mã hóa để dễ tìm kiếm. Đặc biệt, nhà trường đã thực hiện được số hóa minh chứng để lưu trữ minh chứng đúng theo danh mục.

- Đánh giá mức độ đạt được theo từng tiêu chí: Căn cứ các minh chứng đã được thu thập, các nhóm công tác viết phiếu đánh giá tiêu chí đã được phân công. Gồm các nội dung: Mô tả hiện trạng, điểm mạnh, điểm yếu, kế hoạch cải tiến chất lượng và tự đánh giá. HĐTĐG xem xét các nội dung của từng tiêu chí để bổ sung và hoàn thiện.

- Viết báo cáo tự đánh giá: Trên cơ sở nội dung của các phiếu đánh giá tiêu chí đã được HĐTĐG chấp thuận để xây dựng báo cáo tự đánh giá. Các nội dung của báo cáo tự đánh giá gồm cơ sở dữ liệu của nhà trường, tự đánh giá và phụ lục đều thực hiện đảm bảo trình bày đúng cấu trúc theo quy định. Nhóm thư ký có nhiệm vụ tổng hợp viết dự thảo báo cáo; chỉnh sửa cách hành văn cho liền mạch trong báo cáo.

- Công bố báo cáo tự đánh giá: Tổ chức họp HĐTĐG để thông qua bản báo cáo TĐG đã bổ sung và sửa chữa; công bố báo cáo TĐG trong nội bộ nhà trường và tiếp tục thu thập các ý kiến đóng góp. Xử lý các ý kiến đóng góp và hoàn thiện bản báo cáo TĐG; công bố bản báo cáo TĐG đã hoàn thiện trong nội bộ nhà trường.

- Đăng ký kiểm định chất lượng: Sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá và có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018, nhà trường đã đăng ký đánh giá ngoài công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Bà Hằng cho biết thêm, sau khi được công nhận chuẩn quốc gia, hàng năm HĐTĐG sẽ tiếp tục tổ chức tự đánh giá để nâng mức độ các tiêu chí trong khả năng có thể đạt được, bảo đảm các tiêu chí đã được công nhận không giảm mức độ để giữ chuẩn quốc gia mức độ 1. Qua đó, đề ra kế hoạch cải tiến chất lượng để nhà trường tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục nhượt điểm giữ vững các thành tựu đã đạt được./.