Đang xử lý.....

Suy nghĩ về vai trò người thầy trong đổi mới giáo dục hiện nay 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Năm, 21/11/2024, 08:07 (GMT+7) 151
|
BDK - Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ như ChatGPT đã mở ra những cơ hội mới. Học sinh có thể dễ dàng truy cập thông tin trên Internet hoặc sử dụng các công cụ AI để học tập, làm bài tập. Học sinh có thể biết nhiều thông tin hơn người thầy. Như vậy, vai trò của người thầy như người cung cấp kiến thức đang dần thay đổi. Câu hỏi đặt ra là hiện nay nhà giáo có đánh mất vai trò của mình hay không.

Cựu học sinh Trường THPT Ba Tri tri ân thầy cô giáo. Ảnh: Tr. Quốc

Kiến tạo các giá trị cốt lõi

Mặc dù công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cung cấp kiến thức nhanh chóng và chính xác, nhưng nó không có khả năng hiểu và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu xã hội, cảm xúc, tâm lý của học sinh. Chẳng hạn, khi một học sinh gặp khó khăn trong học tập vì lý do gia đình, công nghệ chỉ có thể cung cấp các giải pháp kỹ thuật, các lời khuyên dựa trên dữ liệu sẵn có, mà thiếu đi sự tinh tế cần thiết để xoa dịu cảm xúc con người. Trong khi đó, người thầy có thể lắng nghe, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên động viên, an ủi phù hợp. 

Công nghệ có thể giúp học sinh luyện tập thông qua các mô phỏng hoặc tình huống giả định, nhưng không thể tạo hoàn toàn các tình huống thực tế, giúp phát triển khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, hoặc xây dựng mối quan hệ tích cực như người thầy. Như vậy, cho dù công nghệ có phát triển nhưng không thể thay thế vai trò giáo dục của người thầy. Hiện nay, vai trò của người thầy cần chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang vai trò kiến tạo các giá trị cốt lõi và cơ hội học tập cho học sinh.

Trong thời đại công nghệ số, học sinh dễ dàng tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ từ Internet, gồm: cả thông tin sai lệch, tiêu cực hoặc thiếu giá trị nhân văn. Nếu không được kiến tạo những giá trị tốt đẹp, chuẩn mực, học sinh sẽ phải đối mặt với các vấn đề như: văn hóa bạo lực, sự lạm dụng mạng xã hội, sự thiếu định hướng trong việc tiếp nhận thông tin. Dẫn đến sự suy giảm về đạo đức và ý thức trách nhiệm trong cuộc sống của học sinh. Do đó, việc kiến tạo các giá trị cốt lõi sẽ tạo ra nền tảng giúp học sinh xây dựng nhân cách và là kim chỉ nam để các em sống có trách nhiệm, biết yêu thương, chia sẻ và có ý thức cộng đồng. Đó không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của mỗi nhà giáo.

Trong giai đoạn hiện nay, mỗi nhà giáo phải kiến tạo cho học sinh 5 giá trị cốt lõi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm); 10 giá trị cốt lõi của con người Bến Tre theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ (yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, bản lĩnh, tự cường, tự trọng, trách nhiệm, hợp tác, sáng tạo) nói riêng; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở mỗi học sinh.

Tạo cơ hội học tập cho học sinh

Điều này đặc biệt phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi mục tiêu là phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Việc kiến tạo cơ hội học tập không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách chủ động mà còn có cơ hội khám phá thế giới xung quanh, tìm tòi các giải pháp cho vấn đề thực tế. Từ đó, khơi dậy sự đam mê và sáng tạo trong học tập. Học sinh được trao cơ hội học tập đa dạng, phong phú sẽ hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, phát triển năng lực toàn diện, thúc đẩy học tập suốt đời - một trong những yếu tố quyết định thành công trong xã hội hiện đại.

Để thực hiện vai trò kiến tạo cơ hội học tập cho học sinh, người thầy cần: Xây dựng môi trường học tập tương tác, hỗ trợ, tạo không gian lớp học để các em có thể thoải mái trao đổi ý kiến, chia sẻ ý tưởng và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập. Sử dụng phương pháp dạy học tích cực như: học qua dự án, học qua trải nghiệm, học qua giải quyết vấn đề, học qua làm việc nhóm, lớp học đảo ngược. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, ngoại khóa, tham quan, thực hành tại phòng thí nghiệm hoặc ứng dụng kiến thức vào các bài toán đời sống. Sử dụng các công cụ công nghệ như: bài giảng số, phần mềm học tập, lớp học trực tuyến để mở rộng cơ hội học tập cho học sinh mọi lúc, mọi nơi. Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và khám phá, gợi mở tư duy phản biện, kỹ năng tìm tòi và ý chí tự học thông qua các tình huống học tập mang tính thách thức.

Vai trò của người thầy

Trước hết và trên hết, người thầy phải nhận thức được vai trò của mình hiện nay đã thay đổi so với trước đây. Do đó, phải thay đổi thói quen và các hành vi của mình cho thích ứng với vai trò mới. Vai trò kiến tạo các giá trị cốt lõi và cơ hội học tập cho học sinh. Người thầy phải là tấm gương sáng về những giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm và ý thức cống hiến.

Bằng chính hành vi, lời nói và cách cư xử của mình, người thầy sẽ truyền tải đến học sinh những giá trị như: lòng trung thực, sự khiêm tốn và tinh thần cống hiến cho cộng đồng. Người thầy phải là người tiên phong trong học tập suốt đời, trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, trong giao tiếp bằng ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh), trong đổi mới sáng tạo. Người thầy phải là nhà khoa học, nhà trí thức, vừa nâng cao trình độ vừa là tấm gương cho học sinh học tập và làm theo.

Nhà trường cần tạo điều kiện và khuyến khích người thầy nghiên cứu khoa học, thử nghiệm các phương pháp mới và sáng tạo trong dạy học. Việc khuyến khích nghiên cứu khoa học, viết bài báo khoa học sẽ giúp người thầy nâng cao vai trò nhà trí thức và nhà khoa học trong giảng dạy. Việc tạo ra môi trường và không gian học tập linh hoạt cho phép học sinh và giáo viên tự do sáng tạo và thực hành, giúp phát triển tư duy phản biện và đổi mới sáng tạo.

Cần xây dựng văn hóa học tập suốt đời, môi trường làm việc cởi mở. Nhà trường cần tạo động lực để người thầy không ngừng học hỏi và cải tiến phương pháp dạy học, đưa học tập suốt đời trở thành một phần trong văn hóa trường học. Khuyến khích người thầy đóng góp ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, hình thành các sáng kiến giảng dạy mới; tìm đọc tài liệu, sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh; tham gia các buổi hội thảo chuyên đề với người nước ngoài bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Các cấp quản lý cần quan tâm đến áp lực, tăng cường chăm sóc sức khỏe tinh thần, đời sống vật chất cho người thầy.

Một thách thức không nhỏ đối với người thầy trong thời đại hiện nay là sự gia tăng áp lực từ nhiều phía: áp lực từ phụ huynh, từ xã hội, từ sự phát triển của khoa học công nghệ và từ chính mong muốn hoàn thiện bản thân. Để vượt qua những áp lực này, người thầy cần có khả năng quản lý cảm xúc, kiên nhẫn và biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng để người thầy có thể duy trì niềm đam mê với nghề, làm việc hiệu quả và truyền cảm hứng cho học sinh.