Thứ hai, 07 Tháng 4 2014 01:41
Người viết: Trần Hoàng Huấn |
26/02/2014 |
(Bentre.gov.vn)-UBND tỉnh Bến Tre có quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2014 công nhận Đền thờ Lê Quang Quan (Tán Kế) xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm là di tích cấp tỉnh về lưu niệm danh nhân. Sau khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định rồi Đại đồn Kỳ Hòa và mở rộng cuộc chiến ra các tỉnh lân cận thì triều đình Huế đã nhu nhược chấp nhận đầu hàng, cắt giao 3 tỉnh miền Đông cho giặc. Bến Tre lúc ấy đã trở thành đất “tị địa” cho những sĩ phu, sĩ dân yêu nước.
Trong khi đó người Bến Tre cũng có mặt và chiến đấu dũng cảm trong các đơn vị quân đội của triều đình như Lê Quang Quan (Tán Kế), Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng… Họ cũng có mặt trong đội quân ứng nghĩa “chân đất” của Trương Định như Trịnh Viết Bàng, Huỳnh Văn Thiệu; khi chủ tướng mất, những người này vẫn giữ ý chí chiến đấu, lui về quê nhà ở Bình Đại, chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức chiến đấu chống giặc cho đến khi hy sinh nơi chiến trận, hay đền nợ nước hiên ngang ở giữa pháp trường.
Bia Lưu niệm nơi cụ Tán Kế Lê Quang Quan hy sinh. (Ảnh T.H.H.)
Khi 3 tỉnh miền Tây rơi vào tay giặc thì nhân dân Bến Tre đã cho chúng nếm ngay những đòn phủ đầu lúc mới vừa đặt chân lên dải đất cù lao này như trận đánh ở Hương Điểm (Giồng Trôm), Giồng Gạch (Ba Tri),… Rồi những tháng năm tiếp theo là những cuộc khởi nghĩa tự phát nổi dậy của nhân dân từ cù lao Bảo, cù lao Minh đến cù lao An Hóa, gắn liền với tên tuổi của Phan Ngọc Tòng, Phan Liêm, Phan Tôn, Lê Quang Quan (Tán Kế), Trịnh Viết Bàng, Lê Văn Nghiêm, Bá hộ Huân, ông Tô, ông Kiểu, Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương,…
Không chỉ đánh địch ngay trên mảnh đất quê nhà, nhân dân cù lao An Hóa còn tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân ở bên kia bờ sông Tiền. Trong sự nghiệp bảo vệ quê hương, không chỉ có đông đảo những người “dân ấp dân lân” – là giai cấp nông dân tiêu biểu tham gia chiến đấu, mà còn có những người xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” cũng có mặt trên tuyến đầu chống xâm lăng; kẻ chiến đấu bằng ngòi bút như tú tài Nguyễn Đình Chiểu, cử nhân Phan Văn Trị, người thì cầm gươm xông pha vào trận mạc như thầy giáo làng Phan Ngọc Tòng - người anh hùng trận Giồng Gạch; như Trương Tấn Chí, cháu của Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, hy sinh trong trận giáp lá cà ở Hương Điểm; như cử nhân Âu Dương Lân, người đã cùng với Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Định Tường; Lê Văn Nghiêm, người học trò xuất sắc của cụ Đồ Chiểu, chỉ huy cuộc nổi dậy diệt tên đồn trưởng Pháp ở Mỏ Cày,… Thời gian này, một cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn do Lê Quang Quan (Tán Kế) lãnh đạo nổ ra ở vùng Ba Châu (gồm Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình).
Sau khi triều đình Huế ký hòa ước năm 1862, nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, Lê Quang Quan (Tán Kế) cùng với một số binh sĩ khác bất mãn, bỏ ngũ trốn về quê. Trở về Mỹ Chánh, ông vận động nhân dân trong vùng, tập hợp trai tráng, rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ, chuẩn bị lực lượng chống Pháp ngay trên đất quê nhà. Tháng 6/1867, giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây, trong đó có Bến Tre (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long). Ông đứng ra mộ binh sĩ, phát động khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Ba Châu (Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình) nay thuộc huyện Giồng Trôm, giáp với các làng Phong Mỹ, Phong Nẫm (Giồng Trôm), Ba Mỹ, Tân Xuân (Ba Tri) được nhân dân hưởng ứng khá đông. Nghĩa quân do ông lãnh đạo dựa vào địa thế, địa hình hiểm trở, có rừng dày, lau sậy, chà là rậm rạp thuận tiện cho việc trú quân và cất giấu lương thực, vũ khí. Nơi đây có thể tiến thoái khi cần, nhờ đó mà duy trì được cuộc chiến đấu lâu dài.
Cuộc khởi nghĩa của ông (…?) đã gây cho đốiphương nhiều tổn thất, như trận đánh vào làng Đồng Xuân (5/1869), làng Phú Ngãi và làng Tân Điền (8/1869) giết chết tên Cai tổng Trị và người em là xã trưởng ở đây. Nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu (nghĩa quân phần lớn là nông dân), lại được trang bị vũ khí quá thô sơ, không được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật tác chiến nên lực lượng khởi nghĩa sau nhiều lần đụng độ đã bị tiêu hao dần.
Trước tình thế bị địch bao vây ngày một khó khăn, ông ra lệnh giải tán lực lượng, chỉ chọn một số người thân cận rút vào vùng rừng lau sậy, chà là hoang vu, rậm rạp tạm tránh những mũi tấn công của địch để chờ cơ hội tìm phương sách đối phó. Một tên đào ngũ đã lén báo cho quân Pháp đồn trú gần đó biết nơi ông ẩn náu, và chúng đã bao vây bắt được ông. Sau đó, chúng đưa ông ra hành quyết vào ngày 11 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (tức ngày 21/02/1869) và đem đầu ông bêu ở chợ Châu Thới ba ngày ba đêm nhằm đe dọa tinh thần dân chúng. Trong dân gian ở vùng này còn lưu truyền giai thoại về cái thủ cấp (của Tán Kế) đựng trong giỏ tre, đôi mắt vẫn biết giận, mở trừng trừng không chịu nhắm.
Cuộc khởi nghĩa tuy kết cục thất bại, nhưng tinh thần yêu nước bất khuất, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông và nghĩa quân mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Bến Tre. Cảm phục về cái chết của người anh hùng ở vùng đất Ba Châu, nhân dân đã lập miếu thờ ông ở những nơi mà ông và nghĩa quân thường qua lại hoạt động. Hiện nay, một miếu thờ Tán Kế được xây dựng ngay tại quê hương Bốn Mỹ (xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri; mộ chôn cất phần thân mình ở đây – đã được công nhận di tích cấp tỉnh về lưu niệm danh nhân) để tưởng nhớ đến sự hy sinh oanh liệt của người lãnh đạo nghĩa quân anh hùng. Một miếu thờ khác cũng được xây dựng tại nơi ông hy sinh (ấp Châu Thới, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, nơi đây cũng có mộ để chôn thủ cấp của ông).
Đền thờ cụ Tán Kế đang được khẩn trương xây dựng giai đoạn 2. (Ảnh T.H.H.)
Đền thờ cụ Lê Quang Quan (Tán Kế) tọa lạc tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm có tổng diện tích là 2768,5m2. Mặt bằng xây dựng đền thờ có diện tích 252m2, không gian xây dựng sân lễ, hồ sen trước đền thờ là 168m2, không gian trung gian kết nối là 50m2, lối vào chính 100m2, cây xanh bao quanh công trình 428m2. Bốn thành phần không gian chức năng này được quy hoạch nối kết theo chuỗi và đăng đối dọc theo đường tim khu đất (trong kiến trúc truyền thống dân tộc, đường tim này gọi là “đường Thần đạo” dẫn từ lối vào chính đến điện thờ). Đền thờ được xây dựng theo kiểu tạo không gian uy nghi và tôn kính bằng thủ pháp tổ chức chiều cao nền của 3 không gian chức năng theo hướng tăng cốt nền cao dần từ lối vào chính đến điện thờ, có 3 lần tăng cốt nền bằng bậc cấp: lần thứ nhất 3 bậc cấp để vào không gian sân lễ, lần thứ nhì 5 bậc cấp vào không gian đền thờ, lần thứ ba 5 bậc vào không gian sảnh điện thờ. Hồ sen lát gạch ceramic. Sân đền thờ được lót đan.
Đền thờ có diện tích 94m2, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống cổ truyền Việt Nam với quy mô nhỏ và đơn giản chỉ có phòng thờ và hành lang phía trước. Đền thờ cao 8,12m. Trên nóc trang trí hoa văn uốn cong ở các đuôi mái và ở giữa là một hoa văn hình quả châu. Các đuôi mái đều được uốn cong, mặt trước có trang trí một số hoa văn đắp nổi. Khối nhà chính làm phòng thờ có hình vuông, diện tích 15,21m2 (3,9m x 3,9m), có một tầng mái ngói với 4 mái và 2 đầu hồi. Phòng thờ được xây tường, ốp gạch Norco màu đỏ. Khối hình chữ nhật phía trước phòng thờ là khối hành lang thấp, diện tích 22,25m2 (8,9m x 2,5m), có một tầng mái ngói, chiều ngang 3 gian (2,5m x 3,9m x 2,5m) tạo không gian mặt tiền rộng. Hai gian hai bên có trang trí một số hoa văn hoa sen đắp nổi. Sàn mái cao 3,30m được đổ bê-tông cốt thép, dán ngói âm dương tráng men. Nền đền thờ lát gạch ceramic. Các bậc tam cấp lát đá hoa cương màu đen kim tuyến kẻ mũi bậc. Đền thờ có tất cả 12 cây cột tròn bằng bê-tông cốt thép ốp đá trong đó 4 cây cột chính (tứ trụ) cao 6,78m, các cây cột còn lại cao 3m. Phía trước và phía sau đền đều có các bậc tam cấp. Hai bên hông có trang trí hai hoa văn hình tròn trên tường và hai bồn hoa nhỏ được ốp đá chẻ ở dưới. Nền cao 0,8m so với tổng thể xung quanh. Phía sau nền cũng được ốp đá chẻ. Hoa văn trên các đuôi mái, bờ dốc, bờ chảy đều được uốn lượn theo kiểu truyền thống. Cửa chính đền thờ bằng gỗ quý (kích thước 2,95m x 2,70m).
Đền thờ Cụ Lê Quang Quan (Tán Kế) là di tích lưu niệm danh nhân về quân sự. Mặc dù với vũ khí thô sơ, lạc hậu, quân số ít ỏi, kỹ - chiến thuật chiến đấu còn hạn chế nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí quật cường, lòng quả cảm, nghĩa quân không tiếc máu xương, dù hy sinh thân mình cũng không lùi bước, vẫn quyết xông lên phía trước để tiêu diệt quân thù, mong muốn dành lại độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Tinh thần đó minh chứng cho sự đấu tranh anh dũng và truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Các thế hệ người Bến Tre nói chung và Ba Tri, Giồng Trôm nói riêng mãi mãi tôn vinh, ngưỡng vọng, tôn thờ cụ Tán Kế như một vị thần có công giúp nước, che dân.
Đền thờ cụ Tán Kế được khởi công xây dựng vào ngày 12/10/2013 trên nền trường THCS Châu Hòa cũ. Đây là khu đất công do UBND xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, quản lý. Đền thờ chính được xây dựng với diện tích 112,7m2. Tổng kinh phí xây dựng công trình trên 2,901 tỷ đồng, trong đó Quỹ Thiện Tâm tài trợ 1,8 tỷ đồng, phần còn lại do mạnh thường quân, người dân địa phương đóng góp. Đền thờ được xây dựng nhằm tưởng nhớ đến sự hy sinh, lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm của cụ Tán Kế và nghĩa quân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Công trình với các hạng mục: đền thờ, sân đền, sân lễ, đường vào, lối đi, nhà vệ sinh và san lấp giai đoạn 1. Giai đoạn này, công trình đã được khánh thành và công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận Di tích cấp tỉnh nhân dịp kỷ niệm 145 năm ngày mất của cụ vào ngày 11/02/2014 (nhằm ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Ngọ). Giai đoạn 2 sẽ đầu tư các hạng mục cổng tường rào, công viên và san lấp giai đoạn 2.
|
Chủ nhật, 06 Tháng 4 2014 01:37
Hương vị khó quên của bánh phồng Sơn Đốc làm say lòng khách phương xa
NLĐ-Sơn Đốc (nay là xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) từ xưa nổi tiếng với nghề làm bánh phồng. Sự hòa quyện từ mùi thơm của hương nếp, béo ngậy của dừa, vị ngọt thanh của đường mía đã tạo nên chiếc bánh phồng Sơn Đốc mang hương vị dân dã, ngọt thơm, không nơi nào sánh kịp.
Đặc sản xứ dừa
Dạo một vòng xã Hưng Nhượng, ở đâu chúng tôi cũng nghe âm thanh “thình thịch” của tiếng chày quết bánh. Ghé thăm lò bánh Út Nhỏ của bà Đặng Thị Anh ở ấp 2 nổi tiếng với truyền thống 4 đời làm bánh phồng, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc khá tất bật. Người thì nhóm bếp nấu nếp quết bánh, người vắt nước cốt dừa, người thì cán bánh. Mùi thơm của nước cốt dừa tươi cùng những gia vị như vani... hòa quyện vào nhau thơm lừng.
Nghề làm bánh phồng phát triển đã tạo cơ hội để người nghèo ổn định cuộc sống
Bà Út Nhỏ năm nay đã ngoài 70 tuổi song tác phong vẫn hết sức nhanh nhẹn. Từ nhỏ, bé Út Nhỏ đã biết phụ bà ngoại cán bánh, vắt nước cốt dừa và phơi bánh. Từ những việc đơn giản đến những khâu phức tạp, cứ thế, đam mê với nghề làm bánh lớn dần trong cô bé Út. Với gần 60 năm kinh nghiệm trong nghề, bà Út Nhỏ được xem là nghệ nhân làm bánh phồng số 1 ở xã. Tận mắt xem bà hướng dẫn thợ thực hiện các công đoạn như quết nếp, trở với nước cốt dừa, thêm gia vị và cán bánh... mới thấy được sự tận tâm và tay nghề của bà.
Chia sẻ kinh nghiệm để có một chiếc bánh ngon, bà Út Nhỏ bật mí: “Khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nếp dùng làm bánh nhất thiết phải là nếp hảo hạng, còn dừa lấy nước cốt chỉ chọn loại dừa vừa khô tới. Trung bình 10 lít nếp sẽ cần 6-10 trái dừa khô loại 1, cùng 2,2 kg đường đối với bánh ngọt, 1,4 kg đường với bánh trắng. Nếp được ngâm vài giờ cho mềm rồi đem xôi, sau đó mang lên cối quết. Cũng theo bà Út Nhỏ, bánh ngon hay không tùy thuộc người trở bột, phải trở đều, nhanh và liên tục thì bột mới nhuyễn, bánh khi nướng mới nổi, xốp được. Khi cán bánh, người bóc bột phải bóc đều cho từng viên bột có trọng lượng như nhau, phải thiệt khéo để cho bánh tròn đều.
Món quà quê ý nghĩa
Bánh phồng Sơn Đốc thơm ngon bởi tinh túy của nước cốt dừa, xốp dẻo và béo, rất khó lẫn với bất cứ thứ quà quê nào khác. Bên cạnh việc sản xuất bánh theo kiểu truyền thống, bà Út Nhỏ còn thử chế biến nhiều loại bánh phồng khác như: bánh phồng hột gà, bánh phồng mít, bánh phồng sầu riêng, bánh phồng mặn (tôm)… để đáp ứng nhu cầu của khách. Kinh nghiệm dày dặn nên chất lượng bánh của lò bà Út luôn ở vị trí số 1.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, bà Út được bà con trong vùng nể trọng bởi sự rộng lượng, sẵn sàng truyền nghề cho người nghèo có nhu cầu. Ông Lê Văn Xổng, cùng ấp, được xem là một trong những học trò giỏi nhất của bà Út Nhỏ. Chịu khó học nghề nên chỉ sau vài năm, ông Tư Xổng đã xin mở lò riêng. 20 năm qua, không chỉ kế thừa tinh hoa từ người thầy đầy tâm huyết là bà Út Nhỏ, ông Tư Xổng còn mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào nghề làm bánh. Ban đầu, nguồn vốn chưa nhiều, ông Tư Xổng chỉ sắm chiếc máy quết bánh chạy điện, lúc ăn nên làm ra, ông mua thêm chiếc máy cán bánh. “Thị trường cạnh tranh khốc liệt nên đòi hỏi các lò bánh phải đầu tư máy móc thay vì tận dụng sức người như trước đây, có như vậy mới tăng năng suất lao động, bảo đảm vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Tư Xổng cho biết. Nhờ hiện đại hóa quy trình sản xuất nên những chiếc bánh do lò ông Tư Xổng làm ra không chỉ ngon mà còn đẹp mắt, hợp vệ sinh… được khách hàng ưa chuộng.
Nhiều năm qua, nghề làm bánh phồng đã mang lại cho các hộ sản xuất cuộc sống khá giả, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương. Đến nay, toàn xã Hưng Nhượng đã có 70 lò. Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, bánh phồng Sơn Đốc còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Để giúp làng nghề có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, từ năm 2001, HTX Bánh phồng Sơn Đốc được hình thành. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, nhiều hộ đã được cấp “Giấy chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Bài và ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Thứ năm, 27 Tháng 3 2014 13:16
Đến với Bến Tre, khi về, trong lòng còn nhớ mãi hình ảnh những vườn dừa trải dài, mùi dừa ngào ngạt trong các món đặc sản từ kẹo, bánh cho đến vị đuông dừa béo ngậy.
Đi chơi miền Tây không thể bỏ qua Bến Tre xứ dừa, nơi mà chỉ nghĩ đến thôi đã thấy tâm hồn dịu lại và bao dung hơn. Quả vậy, cái chất miền Tây thấm đượm trong từng câu nói cách hành xử của người dân làm ta yêu quá mảnh đất này.
Càng vấn vương hơn khi đã được chiêu đãi những thức đặc sản Bến Tre gắn liền với thứ cây đặc trưng như đuông dừa, kẹo dừa, bánh phồng, củ hũ dừa…
Kẹo dừa
“Bến Tre nước ngọt sông dài/ Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh/ Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo/ Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan...”
Kẹo dừa Bến Tre ngon nhất nước, và kẹo dừa Mỏ Cày là đặc biệt nhất Bến Tre. Không nơi nào làm kẹo dừa giống được ở đây. Không chỉ một loại, kẹo dừa còn mang trong nó sự kết hợp với sầu riêng, đậu phộng… tạo ra hương vị đa dạng cho người ăn, thể hiện sức sáng tạo trong lao động của người dân. Kẹo dừa dẻo, thơm, nồng nàn, ngọt đủ cho người đi xa nhớ, người ở gần thân.
Đến Bến Tre, ghé thăm các xưởng sẽ cảm nhận được hết cái hay khi chứng kiến các khâu làm kẹo, từ sơ chế nguyên liệu, cho đến nấu, cắt. Nếu thích, có thể xin được thử gói kẹo hay ăn ngay kẹo khi mới ra lò còn hây hẩy nóng sẽ thấy thú vị lắm.

Kẹo dừa dẻo, thơm, nồng nàn, ngọt đủ cho người đi xa nhớ, người ở gần thân (Ảnh: Internet)
Bánh tráng Mỹ Lồng
Bánh tráng Mỹ Lồng có nhiều hương vị khác nhau như: bánh tráng béo nước cốt dừa (loại ngọt, mặn), bánh tráng béo dừa có thêm sữa, trứng gà hay bánh tráng sữa không dừa. Loại nào cũng ngon nhưng vừa béo, vừa xốp lại khó chán là bánh có dừa.

Bánh tráng Mỹ Lồng vừa nướng trên bếp đã nghe mùi ngào ngạt dừa thơm (Ảnh: Internet)
Bánh tráng nướng trên bếp than cho vừa chín hai mặt, dậy mùi của dừa quyện với bột, lấy ra ăn nóng là ngon nhất. Giòn giòn như bất cứ loại bánh tráng nào nhưng dừa đem lại cho nó vị thơm ngọt không bánh tráng ở đâu sánh bằng.
Ngoài ra, còn có bánh tráng nem mỏng dính để ăn các loại đồ cuốn như nem, bì… Vị mặn mặn đặc trưng của bánh cũng khiến khối người “lao đao”. Thành phố Bến Tre không thiếu các tiệm bán bánh tráng Mỹ Lồng.Tuy nhiên, nếu vừa muốn tham quan, vừa muốn mua tận nơi sản xuất thì chịu khó đi khoảng 7km là sẽ đến làng nghề lâu đời chỉ chuyên làm bánh tráng.
Bánh phồng Sơn Đốc, Phú Ngãi
Bến Tre có hai làng nghề làm bánh phồng nổi tiếng ngang nhau. Cũng từ nguyên liệu là nếp, nhưng người dân miền Tây biến nó thành thứ bánh giòn tan, đậm đà theo cách thức khá phức tạp. Đặc biệt là kỹ thuật phơi, phải nắng vừa, nếu quá nắng, bánh sẽ chai, gặp mưa xuống bánh bị hư.

Bánh phồng có quy trình làm phức tạp nhưng thành phẩm thì đáng công (Ảnh: Internet)
Nhưng bánh khi ăn có ngon hay không cũng lại phụ thuộc vào sự khéo léo của người nướng nữa. Lửa đốt bằng dừa khô, gáo dừa thành than đỏ rực, cho bánh lên trên nướng kỹ thuật. Tay phải nhanh thoăn thoắt và khéo léo mới trở qua trở lại cho bánh không bị cong vẹo quá mức mà thành chiếc bánh vàng đều, bung to, ngon, giòn hấp dẫn.
Củ hũ dừa
Trái tim của dừa, củ hũ dừa, là phần non nhất trên đọt cây dừa. Nó ngọt, mát dịu, là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe.

Củ hũ dừa có thể dùng để chế biến ra nhất nhiều món ngon (Ảnh: Internet)
Từ xưa, người dân đã biết lột vỏ ngoài để lấy phần ngon lành nhất này, chế biến thành vô vàn món ăn hấp dẫn, quyến rũ. Đó là củ hũ dừa xào lòng gà, củ hũ dừa chiên bánh xèo, củ hũ dừa xào tôm, củ hũ dừa bóp xổi, củ hũ dừa nấu tôm thịt, gỏi củ hũ dừa, canh củ hũ dừa nấu thịt viên, hoặc đơn giản là ăn sống…
Bao nhiêu tinh túy của đất trời và chắt chiu của cây đều được thể hiện khi dùng món. Vị ngọt ngọt, mà giòn giòn khi nhai, chất tươi, nước trong từng miếng củ hũ dừa làm món ăn dễ thẩm thấu và phù hợp với nhiều người.
Đến Bến Tre nhớ thưởng thức vì khó nơi đâu lại có củ hũ dừa non, ngon, lành như nơi này.
Đuông dừa
“Anh về miền đất xứ dừa/ Nhớ đi thưởng thức đừng chừa món đuông”
Đuông dừa - một trong những đặc sản Bến Tre - là tên gọi một loại sâu dừa. Món này đặc biệt không dành cho các bạn yếu đuối bởi chỉ nhìn mấy con sâu mũm mĩm, ít ai có đủ can đảm để thưởng thức.

Đuông dừa, ăn đi rồi mới biết thế nào là ẩm thực độc đáo! (Ảnh: Internet)
Từ đuông dừa, người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, thậm chí, ăn sống. Nói về món đuông, có những câu thơ vui như thế này: “Nhìn đuông ai thấy ghê ghê/ Ăn vào mới biết không chê chỗ nào”.Ngay Vũ Bằng, một người sành ăn trên văn đàn Việt Nam cũng phải công nhận đuông dừa là món ngon được liệt vào “siêu hạng”, vượt hẳn các thức ăn khác. Chính vì thế đuông dừa không cần món bổ trợ như rau củ, ăn đuông dừa chỉ cần “ăn trơn một thứ đuông không” là đã đủ vị lắm rồi.
Bánh xèo ốc gạo
Không chỉ du khách phương xa, mà ngay người dân những vùng xung quanh đến mùa là phải ghé qua chợ Lách để tận hưởng món dân giã, nhưng không phải ai cũng được ăn: bánh xèo ốc gạo.

Bánh xèo ốc gạo chỉ có một mùa trong năm
Nói thế là bởi cả vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ có cồn Phú Đa của Chợ Lách có ốc gạo ngon nhất, mà mỗi mùa ốc chỉ từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là hết.
Vị thơm béo của vỏ bánh đổ từ bột pha nước cốt dừa đã có thể đủ làm khách ngây ngất, nay lại thêm nhân gồm củ sắn xắt sợi, giá đỗ và ốc gạo dai bùi, ngọt ngon rải đều phía trong khiến bánh xèo ốc gạo không ngấy mà lại còn rất lạ vị, đưa đẩy và thuyết phục hoàn toàn những người sành ăn nhất.
Vậy đó, đi chơi Bến Tre, về đến nhà cả tâm trí lẫn dạ dày đều ngập vị dừa ngọt thơm, béo bổ mà gần gũi.
Theo Tạ Ban (Eva.vn)
Thứ ba, 25 Tháng 3 2014 10:32
Người viết: Hoàng Việt |
21/03/2014 |
Ai đã một lần đến Bến Tre “xứ sở dừa Việt Nam” cũng phải thốt lên rằng “Đẹp quá!”. Để rồi quấn quanh nơi này không muốn rời xa. Bến Tre trong mắt của những nhà thơ, người nghệ sĩ thì đẹp đến nao lòng. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết:
“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ,
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa ru trước gió
Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”
(Dừa ơi - Lê Anh Xuân)
Là vùng đất được phù sa bồi tụ bởi ba dãy cù lao, Bến Tre có nhiều cồn bãi, mỗi cồn nổi có một vẻ đẹp riêng và những hào sản độc đáo khác nhau. Nếu đến Cồn Ốc (Giồng Trôm), cái tên gọi là “cồn Ốc” chắc du khách nghĩ “Nơi đây chắc có nhiều ốc lắm?” Theo các lão cao niên trong vùng thì lúc trước vùng đất này có rất nhiều ốc nên gọi là cồn Ốc. Đến đây, du khách sẽ thưởng thức nước dừa tươi mát nổi tiếng với nhiều loại dừa khác nhau, thưởng thức nhiều chủng loại trái cây trên cồn, tham quan làng nghề đan giỏ cọng dừa. Ngược về cồn Phú Đa (Chợ Lách) có đặc sản ốc gạo nổi tiếng, trong đó món bánh xèo ốc gạo làm nên hương vị không thể nào quên. Trở về huyện cửa ngõ Châu Thành, tỉnh Bến Tre du khách sẽ khám phá cồn Quy với biết bao điều lý thú và hấp dẫn bởi vẻ đẹp sông nước hữu tình.
“Tát mương bắt cá” trên cồn Quy ngày càng được du khách ưa thích. (Ảnh: TTXTDL)
Đến cồn Quy, mọi thứ đều hoang sơ đến hồn nhiên như chưa có bàn tay con người tác động vào. Cồn Quy nằm dọc theo sông Tiền thơ mộng, giữa hai xã Tân Thạch và Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cách trung tâm thành phố Bến Tre 23km đường sông. Cồn Quy với diện tích tự nhiên khoảng 65ha, là cồn nhỏ nhất của Bến Tre, được khai thác từ những năm đầu của thập kỷ 60 thể kỷ XX. Trông xa xa, cồn Quy như một hòn đảo nhỏ nổi giữa sông, những hàng dừa xanh đong đưa trong làn gió mát, những vườn nhãn trĩu quả kết trái thành từng chùm, với hương thơm ngào ngạt như níu chân du khách tham quan.
Là vùng đất mới, Cồn Quy như một ốc đảo, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc, kinh tế của người dân trên cồn gặp nhiều khó khăn. Định nghĩa “du lịch” đối với người dân hoàn toàn xa lạ. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi ngành du lịch Bến Tre có bước phát triển, du khách quốc tế biết đến Bến Tre nhiều hơn, thì người dân trên cồn dần xác định được tầm quan trọng của việc đầu tư kinh doanh du lịch, nên họ đã mạnh dạn đầu tư theo kiểu hộ gia đình tự phát để đón khách. Ban đầu, người dân chủ yếu đầu tư xây dựng điểm đón khách chỉ là những ngôi nhà sàn nhỏ bằng tre lá đơn sơ, quy mô nhỏ nên số lượng khách còn ít, khoảng vài chục khách nước ngoài trong ngày. Sau khi cầu Rạch Miễu được thông thương, phá thế ốc đảo của Bến Tre thì số lượng khách du lịch đến với Bến Tre nhiều hơn. Người dân thấy được tiềm năng để phát triển du lịch nên đầu tư cơ bản hơn, xây dựng nhà hàng thủy tạ ven sông với sức chứa hàng trăm khách mỗi ngày, chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, giá cả cũng phù hợp không xảy ra trình trạng chặt chém du khách.
Du khách tham quan cồn Quy. (Ảnh: TTXTDL)
Du khách quốc tế thích khám phá cồn Quy, vì nơi đây có nhiều điều hấp dẫn, trải nghiệm cuộc sống nông thôn yên bình, không ồn ào như ở thành thị, có sông nước, vườn trái cây và người dân thì chất phác, thật thà.
Đến Cồn Quy, du khách sẽ tận hưởng một không gian sông nước hữu tình, thơ mộng và ấm áp. Du thuyền trên sông, đến các điểm du lịch trên cồn như: Hồng Vân, Cồn Quy, Tân Cồn Quy,… thưởng thức trái cây tại vườn, uống tách trà mật ong thơm lừng và thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật dân gian đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Muốn đến cồn Quy, du khách phải thuê tàu du lịch xuôi theo dòng sông Tiền khoảng 30 phút là đến. Cồn Quy quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ vùng sông nước Nam Bộ, nơi mà chưa có một dấu tích nào của cuộc sống thành thị, thiên nhiên trong lành, khí hậu ôn hòa và mát mẻ. Đến cồn Quy, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh bạt ngàn những vườn nhãn, rồi có những vườn cam, vườn bưởi, vườn sa-pô-chê,… Sau những cơn mưa đầu mùa, cồn Quy lại càng đẹp hơn, cây cối xanh tốt hơn. Người ta cảm nhận được sự dịu mát và sức sống mãnh liệt trên cồn.
Du khách đến cồn Quy ngày càng nhiều, các công ty du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh và Bến Tre, trong chương trình tour du lịch của mình đều đưa khách tham quan. Trong những ngày nghỉ cuối tuần, cồn Quy thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Ở đây, người dân tự đầu tư hạ tầng du lịch nên cơ sở vật chất cũng còn nhiều hạn chế nhưng quan trọng là chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ làm hài lòng du khách. Đến đây, du khách sẽ tham gia loại hình du lịch “tát mương bắt cá”, hóa trang thành người nông dân “chân lấm tay bùn”, đi “mò cua, bắt ốc”,… để trải nghiệm cuộc sống miền quê sông nước. Buổi trưa, du khách có thể nằm nghỉ ngơi trên một chiếc võng đong đưa dưới tán lá trong những vườn cây xanh mát. Ngoài ra, du khách cũng có thể tổ chức cắm trại dã ngoại với nhiều hoạt động hấp dẫn. Buổi tối, du khách sẽ được người dân địa phương chèo xuồng đưa du khách đi trong những con rạch nhỏ ngoằn ngèo, với hai bên là rặng dừa nước xanh um, ngắm đom đóm về đêm rất hấp dẫn.
yền đ dã ngoại với nhiều hoạt động ngoại khóa hấp dẫn. Buổi tối, du khách sẽ được người dân địa phương chèo thuyền đHầu hết dịch vụ ở đây đều được làm theo kiểu “lấy công làm lời” nên giá cả rất phải chăng, sẽ làm du khách hài lòng. Tự tay mày mò làm du lịch nên người dân còn bỡ ngỡ và chân chất, đó cũng là nét duyên. Du khách sẽ cảm thấy gần gũi như thể ở nhà mình.
Cồn Quy mùa này rất đông du khách. Tôi theo chân những đoàn khách đến từ các nước khác nhau, cùng trải nghiệm khám phá du lịch cồn Quy với mong muốn sẽ được tìm thấy ở đây những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình khám phá du lịch sông nước miền Tây. Thật vậy, tôi đến cồn Quy với sự ngạc nhiên và bỡ ngỡ trước vẻ đẹp dịu dàng, yên bình của khung cảnh thiên nhiên trên cồn. Tôi và những thành viên trong đoàn bắt gặp hình ảnh những bông bần trắng tím là đà mặt nước, đung đưa trong gió, những rặng dừa xanh um trĩu quả chạy dọc triền sông. Những mái nhà lá đơn sơ, thấp thoáng trong những vườn nhãn trĩu quả. Những cô thôn nữ trong trang phục áo bà ba, quẫy mạnh mái chèo xuôi theo dòng sông Tiền chở đầy ắp những dừa, trái cây,… Đây thật sự là những hình ảnh thật đẹp trên sông nước Bến Tre.
Đến cồn Quy, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản, dân dã đặc sắc như: tép rang dừa, cá bông lau nấu canh chua bần với rau muống đồng, cá điêu hồng hấp nấm mối với bông bí, lẩu cá kèo, cá lóc kho tộ,… Tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ từ dừa với nhiều sản phẩm đa dạng, chọn cho mình những món quà thật ý nghĩa để tặng bạn bè, người thân sau chuyến du lịch khám phá Bến Tre. Chia tay cồn Quy, du khách sẽ trở về nơi ở của mình với biết bao ký ức đáng nhớ về một Bến Tre thân yêu, một vùng đất bạt ngàn dừa. Bến Tre còn đó rất nhiều điểm đến hấp dẫn khác đang chờ du khách khám phá.
|
|
|