Đang xử lý.....

Học sinh là trung tâm, giáo viên - khâu then chốt 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Năm, 20/02/2014, 00:00 (GMT+7) 201
GD&TĐ - Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết 29 đang được ngành GD tích cực triển khai. Trong sự chuyển động chung, các trường học đang tích cực vào cuộc với khâu then chốt được xác định bắt đầu từ người dạy

Học sinh là trung tâm

Trong số không nhiều trường tiểu học tại thành phố Lào Cai đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân đã xây dựng được thương hiệu từ việc khẳng định chất lượng giáo dục. Đây cũng là lý do vì sao rất đông cha mẹ mong muốn được gửi gắm con em mình vào trường.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nên chất lượng của trường, cô giáo hiệu trưởng Trần Thị Thùy Dung khẳng định: Mỗi học sinh đều được coi là trung tâm. Mọi giải pháp, đường lối của nhà trường hướng vào học sinh.

Cô Dung cho biết, để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục của trường, từ đầu năm học trường đã họp hội đồng giáo dục phân tích đánh giá chất lượng học tập của học sinh năm học trước, yêu cầu các thành viên đề ra các giải pháp chiến lược và các ý kiến đề xuất phù hợp với thực tế.

Mặt khác còn thực hiện xây dựng và thực hiện đúng quy định tối thiểu: Tổ chuyên môn khảo sát 1 lần/tuần/lớp, Ban Giám hiệu khảo sát 1 lần/tháng/lớp. Danh sách học sinh được phân loại theo vành đai chất lượng. Tạo mọi điều kiện để các em có cơ hội thay đổi vị trí ngồi của mình bằng sự nỗ lực cố gắng của bản thân.

Đối với việc bồi dưỡng học sinh yếu trường đã định hướng cho giáo viên những giải pháp như: Giáo viên phải tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, với kiến thức học sinh còn thiếu hoặc hiểu sai phải quay lại dạy những kiến thức sơ đẳng nhất, giáo viên phải chủ động đề ra kế hoạch kiểm tra, không đưa ra kiến thức cao quá làm học sinh bị ức chế.

Những bài toán, bài văn đưa ra mang tính chất vận dụng khắc sâu lý thuyết, cho học sinh làm lại nhiều lần một dạng bài tập tại lớp để thuộc bài. Những kiến thức cần khắc sâu phải được lặp lại trong tiết học chính khóa và tiết học tự chọn.

Thậm chí, ngay cả Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng cũng có trách nhiệm phải theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh từ đề Toán, đề Văn.

Làm sao để các đề bài gắn với đời sống thực tế của các em và yêu cầu mỗi giáo viên phải có kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu, theo dõi, phân tích kỹ năng yếu của từng em và dự kiến thời điểm nghiệm thu chất lượng để học sinh đạt yêu cầu...

Giáo viên - khâu then chốt đột phá chất lượng

Có thầy giỏi thì mới có trò giỏi bởi vậy việc bố trí đội ngũ, bồi dưỡng học sinh cần chọn được giáo viên có phẩm chất tốt, có năng lực chuyên môn và sư phạm giỏi, có kiến thức và hiểu biết sâu rộng. Người thầy cần biết tạo cho học sinh động cơ thái độ học tập đúng đắn, niềm say mê yêu thích, dạy cho các em biết cách học, giúp các em lấp đầy lỗ hổng và thiếu sót... -

Cô Trần Thị Thùy Dung - Hiệu trưởng Trường TH Lê Ngọc Hân (Lào Cai)

Từ kinh nghiệm của trường Lê Ngọc Hân (Lào Cai) cho thấy giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng cũng như đổi mới giáo dục.

Chính vì vậy, nhà trường luôn quan tâm, nắm bắt diễn biến tư tưởng của đội ngũ giáo viên, đảm bảo dân chủ nhưng không quá trớn, xây dựng sơ đồ quản lý công việc để tất cả cán bộ giáo viên có cơ hội được bày tỏ và không ngại nêu lên những ý kiến mà họ còn cảm thấy chưa hài lòng...

Trường còn tổ chức kiểm tra kiến thức giáo viên 2 lần/năm học bao gồm kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội. Xây dựng thói quen mỗi ngày dành 5 phút để cán bộ giáo viên nói về vấn đề nóng trong ngày hoặc tin mới.

Giáo viên có trách nhiệm cập nhật thông tin và để trong các buổi sinh hoạt dưới cờ học sinh có quyền đặt câu hỏi giao lưu về các vấn đề xã hội với thầy cô...

Việc phân công đội ngũ cán bộ có sự thống nhất với công đoàn nhà trường, phân công phân nhiệm phù hợp với năng lực, sức khỏe và sở trường của từng người...

Trường cũng đề cao tính sáng tạo của mỗi cá nhân, bố trí đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm trong tổ khối, khơi dậy và luôn để ngỏ sự sáng tạo cho giáo viên...

Với cách làm khác, cô Nguyễn Thị Nam - Hiệu trưởng Trường THCS Tiên Nội (Duy Tiên, Hà Nam) - cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục trường luôn có sự đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Cụ thể, trong khâu kiểm tra, đánh giá trường không chỉ tăng cường mà còn chủ động quản lý việc ra đề kiểm tra, coi, chấm bài, đánh giá xếp loại học sinh đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.

Trong các bài kiểm tra, giáo viên chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành, dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng, biên soạn để kiểm tra đúng tỉ lệ mức độ nhận thức nhận biết, thông hiểu và vận dụng theo đúng quy định của môn học, đảm bảo phân loại được học sinh.

Trong đổi mới sinh hoạt chuyên môn tổ, nhóm rất chú trọng việc thẩm định nội dung dạy học. Trong 1 tuần có ít nhất 7 tiết dạy có nội dung trình chiếu; tăng cường dự giờ rút kinh nghiệm một cách thực chất.

Mặt khác, cũng chú trọng tổ chức cho giáo viên thực hiện nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, trong đó chú trọng vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực như hoạt động nhóm, tập dượt cho học sinh nghiên cứu khoa học, áp dụng mạnh Bản đồ tư duy...

Hà Anh

Bình luận