Đang xử lý.....

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC Ở 3 MÔI TRƯỜNG: NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Bảy, 07/11/2015, 00:00 (GMT+7) 3242

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Điều 2 của Luật Giáo dục năm 2005 nêu rõ “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc“.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu rõ mục tiêu tổng quát của giáo dục và đào tạo là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chỉ riêng nhà trường, chỉ riêng ngành giáo dục thì không thể làm tốt công tác giáo dục toàn diện được.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tiếp tục khẳng định “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội”.

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục tháng 6/1957, Bác Hồ căn dặn “Phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học sinh. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa 3 môi trường nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục toàn diện học sinh, có thể tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phối hợp 3 môi trường giáo dục

Tăng cường tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của công tác phối hợp 3 môi trường, nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh;  coi sự phối hợp là việc thực hiện thường xuyên, liên tục ở mọi thời điểm và quá trình giáo dục là quá trình lâu dài, không ngừng phát triển; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng môi trường giáo dục; mỗi môi trường giáo dục phải ý thức luôn sẵn sàng phối hợp, chủ động phối hợp mà không có thái độ trông chờ hay ỷ lại vào môi trường giáo dục khác; việc giáo dục cho học sinh là nhiệm vụ chung của nhà trường, gia đình và xã hội; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục cho con em mình, tránh tư tưởng ỷ lại, khoán trắng giáo dục học sinh cho nhà trường; xây dựng cơ chế phối hợp, qua đó tạo sự đồng thuận cao và huy động sự tham gia của toàn xã hội cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

2. Xác định nội dung phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh

2.1. Phối hợp trong giáo dục phẩm chất và năng lực cho học sinh

Phối hợp trong giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh là để giáo dục cho các em lòng yêu nước, lý tưởng cộng sản, niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, bản lĩnh chính trị; giáo dục ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục thái độ tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, phân biệt, đánh giá các sự kiện chính trị, xã hội, nhận ra và phê phán những âm mưu, thủ đoạn chính trị của các thế lực thù địch. Giáo dục lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, biết trân trọng các giá trị đạo đức của dân tộc, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, tư cách, tác phong đúng đắn của người công dân; giáo dục các chuẩn mực đạo đức trong các quan hệ xã hội, phê phán những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức; giáo dục hành vi đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp. Giáo dục nhận thức, hành vi, thói quen của lối sống văn minh, tiến bộ, phù hợp với bản sắc dân tộc Việt Nam; giáo dục trách nhiệm của cá nhân trước tập thể và cộng đồng, biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ, phù hợp với bản sắc dân tộc, biết phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.

Phối hợp triển khai tốt Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Phối hợp trong giáo dục hình thành năng lực cho học sinh gồm kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm. Kiến thức, kĩ năng tạo thành năng lực cho học sinh là do nhà trường cung cấp là chủ yếu. Tuy nhiên cũng cần có sự phối hợp của gia đình và xã hội thì việc hình thành năng lực, nhất là năng lực thực tiễn cho học sinh mới thuận lợi và vững chắc hơn.

2.2. Phối hợp trong giáo dục pháp luật

Phối hợp trong  giáo dục pháp luật cho học sinh giúp các em có thái độ và hành động đúng đắn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân, biết cách phòng chống tội phạm và tránh xa tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức và chấp hành tốt quy định của pháp luật, hình thành nhân cách, thái độ và hành động đúng mực, thể hiện trách nhiệm công dân.

Việc giáo dục pháp luật cần được thực hiện theo nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, có sự cộng tác chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; kết hợp giữa lồng ghép vào giáo dục chính khóa và các hoạt động ngoại khóa. Việc giáo dục pháp luật đòi hỏi không chỉ có giáo viên của trường mà cần huy động sự tham gia của những người làm công tác thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật, cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể…

2.3. Phối hợp trong giáo dục kỹ năng sống

Phối hợp trong giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp học sinh có thái độ và hành vi tích cực, có khả năng nhìn nhận vấn đề, giải quyết tình huống theo hướng tích cực, biết thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể; có tinh thần tự chủ, có cách suy nghĩ, thái độ và hành vi tích cực; hình thành lối sống lành mạnh, có đạo đức, có văn hóa, giao tiếp hiệu quả với mọi đối tượng.

Kỹ năng sống chính là nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh. Việc giáo dục kỹ năng sống không chỉ thực hiện trong nhà trường, qua các môn học chính khóa, dù rất quan trọng, mà còn phải được thực hiện kết hợp với nhiều cách khác như: Trong sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; bằng nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú như: hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, hoạt động tham quan, dã ngoại; qua các hoạt động đoàn, đội chứng tỏ hiệu quả trong thời gian qua như: Chương trình “Học làm người có ích”, Chương trình “Một ngày để sống-Sống có niềm tin”, Chương trình “Một ngày để sống-Sống biết tiết kiệm”, Chương trình “Vượt qua nỗi sợ hãi”, Chương trình “Học kì quân đội”…

Nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần tập trung vào các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng tự nhận thức, Kỹ năng xác định giá trị, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng làm việc theo nhóm, Kỹ năng ra quyết định, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng ứng phó với căng thẳng, Kỹ năng hợp tác, Kỹ năng tự tin, Kỹ năng thương lượng….

2.4. Phối hợp trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Phối hợp trong quản lý học sinh, tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập, rèn luyện; phối hợp trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để học sinh rèn đức, luyện tài, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái độc hại xâm nhập từ bên ngoài. Gắn xây dựng môi trường văn hóa với các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Gia đình văn hóa”…

Nhà trường cần phối hợp với các tổ chức Đoàn, Đội, ban đại diện cha, mẹ học sinh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giao lưu, sinh hoạt tập thể … để học sinh có nhiều điều kiện gặp gỡ vui chơi giải trí cùng nhau sau những giờ học trên lớp, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh; chủ động kiến nghị với chính quyền địa phương  trong việc quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa, các hàng quán chung quanh trường, ngăn chặn văn hóa phẩm độc hại và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, ngăn chặn bạo lực học đường…

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho học sinh có thể được tổ chức thông qua các hoạt động phối hợp với các tổ chức Đoàn, Đội như: Liên hoan Tiếng ca học đường-Vũ điệu tôi yêu, Chương trình Games show Khi tôi 18, Games show Học mà vui-vui mà học, Hội thi tin học trẻ các cấp, Hội thi sáng tạo khoa học-công nghệ, các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đoàn-Đội, các ngày lễ lớn... tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, bổ ích, giúp học sinh tránh xa cái xấu.

2.5. Phối hợp trong công tác xã hội hóa giáo dục

Phối hợp trong công tác xã hội hóa giáo dục là để thực hiện phương châm: Toàn xã hội cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Để thực hiện yêu cầu này, cần tăng cường phát huy vai trò các đoàn thể, hội khuyến học, hội cựu giáo chức, ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban, huy động học sinh bỏ học trở lại lớp để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phát triển giáo dục và đào tạo; huy động các nguồn học bổng, học phẩm, học cụ để hỗ trợ học sinh nghèo, gặp khó khăn, khen thưởng, tôn vinh học sinh đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện.

3. Xác định trách nhiệm của từng môi trường trong công tác phối hợp giáo dục học sinh

Luật Giáo dục năm 2005 tại Chương VI nêu rõ trách nhiệm của từng môi trường trong việc giáo dục học sinh như sau:

Điều 93 về trách nhiệm của nhà trường: Nhà trường có trách nhiệm chủ động phối hợp giữa gia đình và xã hội để thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục”.

Điều 94 về trách nhiệm của gia đình: “Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”.

Điều 97 về trách nhiệm của xã hội: “Giúp nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham gia, thực tập, nghiên cứu khoa học. Góp phần xây dựng phong trào học tâp và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tạo điều kiện để người học được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh. Hỗ trợ về tài lực, vật lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục theo khả năng của mình”.

3.1. Trách nhiệm của nhà trường

- Quản lý tổ chức giảng dạy và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục nhằm rèn luyện và hình thành cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, năng lực thực tiễn.

- Tăng cường các giải pháp quản lý, tư vấn, giáo dục học sinh như: Triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường nhằm tư vấn, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, mâu thuẫn của học sinh nảy sinh trong cuộc sống; nâng cao trách nhiệm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh, phát hiện những mâu thuẫn trong học sinh để kịp thời tư vấn, chia sẻ, phối hợp tháo gỡ mâu thuẫn, giảm triệt để tình trạng bạo lực học đường; phối hợp chặt chẽ với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục, đặc biệt đối với những học sinh cá biệt, chưa ngoan, học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, hoài bão, ước mơ cho học sinh.

- Xây dựng nhà trường đảm bảo an ninh, trật tự, cảnh quan xanh, sạch, đẹp; giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, phòng chống tai nạn thương tích, thiên tai, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phấm.

- Phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai công tác phổ cập giáo dục, huy động trẻ em đến trường, hạn chế lưu ban, bỏ học, chủ động cùng chính quyền và gia đình tạo điều kiện cho trẻ được hưởng quyền học tập theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các ban, ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, trật tự an toàn giao thông, nếp sống văn hóa, phòng chống tội phạm, tai nạn thương tích, giáo dục về sức khoẻ sinh sản vị thành niên, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường cho học sinh; tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí tại địa phương.

- Định kì báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương về kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục của đơn vị, trên cơ sở đó có những kiến nghị, đề xuất, tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương.

- Phối hợp cùng ban đại diện cha mẹ học sinh huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

3.2. Trách nhiệm của gia đình

- Nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của trường; không để con em bỏ học; không phó mặc con em mình cho nhà trường.

- Quản lý, giám sát lịch trình học tập, vui chơi, giải trí, sinh hoạt của con em mình ngoài nhà trường; nắm vững diễn biến tư tưởng, đạo đức, học lực của con em, chủ động thông báo cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm những vấn đề không bình thường của con em minh để thống nhất biện pháp phối hợp giáo đục; chủ động nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con em mình, trên cơ sở đó, phối hợp cùng nhà trường giáo dục con em mình.

- Tham gia đầy đủ các cuộc họp và các hoạt động giáo dục học sinh khi có yêu cầu của nhà trường; hỗ trợ về tài lực, vật lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục theo khả năng của mình.

- Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình; cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo; người lớn phải là tấm gương trong giao tiếp, ứng xử; loại bỏ bạo lực gia đình.

3.3. Trách nhiệm của xã hội

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo và hỗ trợ sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giáo dục và sự phát triển giáo dục; tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia công tác xã hội hóa giáo dục. Các cấp chính quyền tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện lối sống văn hóa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức, bạo lực diễn ra ngoài xã hội; tăng cường quản lý, giáo dục thanh thiếu niên trên địa bàn, đặc biệt là các đối tượng bỏ học, chưa có việc làm ổn định lôi kéo học sinh vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật; quản lý tốt các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa như các tụ điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ internet, văn hóa phẩm, kiểm tra, giải tỏa các hàng quán chung quanh trường học, ký túc xá nếu thấy có biểu hiện phức tạp về an ninh, trật tự; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để học sinh được vui chơi, giải trí, hoạt động thể dục, thể thao lành mạnh.

- Các đoàn thể, tổ chức xã hội vận động người dân tham gia xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, tạo môi trường lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những tác động có ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục; phối hợp với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học; huy động các nguồn lực cho sự phát triển giáo dục; sẵn sàng đáp ứng khi nhà trường có những yêu cầu, đề nghị về sự hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh; chủ động xây dựng các quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài, quỹ tài năng trẻ để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, khen thưởng động viên kịp thời học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện.

4. Xây dựng cơ chế phối hợp

Nhà trường cần thiết lập và duy trì mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường, thông giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, với cha mẹ học sinh qua gặp gỡ trực tiếp, gọi điện thoại, sổ liên lạc truyền thống hoặc điện tử, các buổi họp cha mẹ học sinh để thông báo kịp thời cho gia đình về tình hình học tập, rèn luyện và những vấn đề liên quan đến học sinh cần sự phối hợp của gia đình. Một số địa phương có các mô hình phối hợp với gia đình có thể tham khảo như: Tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, yêu nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh có sự tham dự của cha mẹ học sinh (Hà Nội); tổ chức hoạt động “Phụ huynh đến trường lắng nghe con nói” (Thành phố Hồ Chí Minh)…

Gia đình thường xuyên chủ động bắt tình hình học tập, rèn luyện của con em mình, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình học tập ở nhà, diễn biến tâm lý, tình cảm của con em mình cho nhà trường, thông qua giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm bằng các kênh khác nhau như: qua các buổi họp cha mẹ học sinh, qua điện thoại, sổ liên lạc, gặp gỡ trực tiếp, các dịp gặp gỡ khác với nhà trường theo yêu cầu của nhà trường... Gia đình cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em tham gia các hoạt động cộng đồng. Các gia đình trong địa bàn dân cư chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con em thông qua mối liên hệ làng xóm, sinh hoạt câu lạc bộ, họp phụ huynh, quan hệ bạn bè... Để thiết lập, duy trì và tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội được tốt thì vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ cần chủ động xây dựng mối liên hệ và thường xuyên duy trì liên lạc, tránh tình trạng khoán trắng việc giáo dục con em mình cho nhà trường thì việc hỗ trợ con học tập và rèn luyện con em mình mới đạt hiệu quả.

Gia đình có thể phối hợp với nhà trường thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

Theo Điều lệ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có nhiệm vụ: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Ban đại diện cha mẹ học sinh trường có nhiệm vụ: Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường; phối hợp với Hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh; phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương; phối hợp với Hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học; hướng dẫn về công tác tổ chức và hoạt động cho các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương, cần phải thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh bỏ học, lưu ban, học sinh gặp khó khăn trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ trong ngăn chặn học sinh bỏ học, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, hình thành các quỹ học bổng để hỗ trợ học sinh nghèo gặp khó khăn, khen thưởng học sinh giỏi. Giữa nhà nhà trường và công an địa phương cần có quy chế phối hợp trong giữ gìn an ninh, trật tự trong và ngoài nhà trường, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, ngăn chặn bạo lực học đường, triển khai tốt Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BCA về việc hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục; giữa nhà trường với các đoàn thể, tổ chức xã hội cùng kí quy chế phối hợp trong hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho nhà trường. Định kì họp giao ban giữa nhà trường với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn để cùng phối hợp trong công tác giáo dục học sinh, cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.


Bình luận