Đang xử lý.....

Để chống đọc chép hiệu quả 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Hai, 05/08/2013, 00:00 (GMT+7) 237

(GD&TĐ) - Vào năm học 2009 – 2010, chủ trương của Bộ GD&ĐT chống Đọc - chép trong dạy và học ở trường phổ thông nhận được sự đồng thuận cao của dư luận trong và ngoài nhà trường. Nhiều hội nghị về đổi mới phương pháp đã đưa ra mổ xẻ, phân tích vấn đề một cách thấu đáo. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít những khó khăn, rào cản mà đội ngũ giáo viên cần phải nỗ lực vượt qua.

Những hình thức đọc chép phổ biến

Đọc – chép hoàn toàn là người thầy trên cơ sở bài giảng đã được chuẩn bị, lần lượt đọc từng phần cho học sinh chép, không cần vận dụng bất cứ thao tác sư phạm nào, cơ bản làm thế nào để học sinh ghi bài đầy đủ. Thứ hai: giảng lần lượt, xong mỗi phần rồi dừng lại Đọc- chép. Thứ ba: Đọc sơ kết, tổng kết. Gần đây, xuất hiện thêm khái niệm: Nhìn - chép.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bốn hình thức nói trên, hình thức thứ ba là một thao tác sư phạm mà ta có thể chấp nhận.

Thực tế có thể thừa nhận rằng học sinh của chúng ta ở tất cả các cấp học chưa thực sự có kĩ năng nghe và tự ghi để học: Tâm lí học sinh thường là tuyệt đối hóa vai trò người Thầy, trò sẽ không ghi được chữ nào nếu thầy không đọc cho chép. Đa số HS chỉ chép phần thầy ghi trên bảng, chứ không phải là chép cái mình cần, cái mình thiếu. Học sinh 12 mà rất nhiều em thụ động trong ghi chép. Nếu tiết học có tổ chức thảo luận nhóm phần lớn các em không có kĩ năng, không biết cách phối hợp nhóm. Sau khi thầy giáo tổng kết và chốt lại những ý chính HS cũng không bao giờ biết cách ghi, phải đợi đến lúc thầy đọc thì mới chép. Đây là một trong rất nhiều ví dụ mà học sinh chúng ta thường xuyên gặp phải.

Thứ ba là thời lượng: Dung lượng kiến thức nhiều bài quá nặng, nếu không đọc – chép sẽ không đủ thời gian. Thứ tư là cách kiểm tra đánh giá: Cách kiểm tra đánh giá hiện nay vẫn thiên về thuộc và nhớ.

Như vậy việc người thầy chọn cách đọc chép vì cho đó là cách "an toàn" nhất để đảm bảo kết quả điểm số trong thi cử. Nếu người thầy có kĩ năng sư phạm tốt, có niềm say mê đối với văn học, tình yêu đối với nghề dạy văn, lấy việc tác động vào tâm hồn học sinh làm mục đích, cố gắng tìm tòi sáng tạo trong nội dung và phương pháp, thì giờ giảng sẽ khó rơi vào tình trạng đọc - chép. Thực tế có những giờ dạy khi người thầy chưa thực sự thâm nhập vào tác phẩm, thì chắc chắn tiết học ấy sẽ không tránh khỏi đọc – chép.

Vì sao phải tránh đọc - chép

Trong quá trình giảng bài, giáo viên có thể đọc chuẩn xác kết hợp ghi bảng để học sinh ghi chép một ý hay, một định lí, định luật, một công thức nào đó thì đó là một thao tác sư phạm. Ngược lại, nếu giờ dạy, giáo viên ngồi một chỗ, hoặc vừa đi vừa đọc cho học sinh chép sau đó giảng giải, hoặc ngược lại, giảng qua loa rồi đọc cho học sinh chép thì đó là một việc làm thiếu khoa học cần tránh đặc biệt là đối với các môn xã hội.

Đọc chép gây mỏi mệt, căng thẳng dẫn tới nhanh buồn ngủ dẫn đến học sinh càng ngày càng chán học bộ môn văn. Với một học sinh có ý thức học tập thì cũng chỉ cần cố gắng ghi nhớ kiến thức, không cần trí tuệ sắc sảo. Một giờ văn đọc – chép là một giờ văn mà cuộc sống trong đó không được dậy lên, không lay động tâm hồn học sinh, không khơi gợi và phát huy trí tưởng tượng, liên tưởng. Chúng tôi gọi đây là những giờ văn chết, những giờ văn hóa thạch. Cách dạy này còn tiếp tay cho vấn nạn quay cóp, gian lận trong thi cử. Tóm lại: Dạy đọc – chép làm thui chột cả người dạy và người học, người dạy không cần học hỏi, trau dồi kiến thức, không cần xử lí tình huống mà cứ là một cái máy dạy là đủ.

Trong quá trình giảng bài, giáo viên có thể đọc chuẩn xác kết hợp ghi bảng để học sinh ghi chép một ý hay, một định lí, định luật, một công thức nào đó thì đó là một thao tác sư phạm. Ngược lại, nếu giờ dạy, Giáo viên ngồi một chỗ, hoặc vừa đi vừa đọc cho học sinh chép sau đó giảng giải, hoặc ngược lại, giảng qua loa rồi đọc cho học sinh chép thì đó là một việc làm thiếu khoa học cần tránh đặc biệt là đối với các môn xã hội.

Một số giải pháp khắc phục "đọc – chép"

Theo chúng tôi, đổi mới phương pháp không có nghĩa phủ nhận phương pháp truyền thống mà là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phải tạo cơ hội cho những nhân tố tích cực của phương pháp cũ có đất để phát triển. Chống đọc chép phải là việc làm đồng bộ, bắt đầu từ bậc tiểu học. Nếu không, tất cả chỉ là sự hô hào hình thức. Bàn về vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc có nói “Đừng xem việc thay đổi phương pháp này chỉ là một khẩu hiệu và có thể thực hiện đơn giản ngày một ngày hai”.

Trước hết, nên đổi mới cách ra đề thi và yêu cầu thi: Cách ra đề thi hiện nay chủ yếu là thuộc và nhớ. Mặc dù những năm gần đây vấn đề đó có được cải thiện nhưng vẫn còn ở phương diện hình thức. Chẳng hạn, thay đổi câu lệnh: Phân tích đoạn thơ sau bằng “Nêu cảm nhận của anh chị”, tuy nhiên, quá trình làm đáp án và chấm người ta vẫn chưa chú trọng những bài viết sáng tạo.

Đề ra những năm gần đây bắt đầu chú ý dạng đề nghị luận xã hội, đây là kiểu đề phát huy tính sáng tạo của học sinh, khi chấm bài dạng đề này, chúng tôi thấy học sinh viết rất tốt, hấp dẫn và lí thú. Cho nên, không thể đỗ lỗi cho rằng học sinh chúng ta dốt Văn.

Song song với đó, học sinh phải tích cực chủ động, biết cách tự học, tự chiếm lĩnh tri thức và tự rèn luyện kĩ năng. Bản thân mỗi giáo viên phải tự tìm tòi đổi mới ngay từ những việc làm cụ thể: Tự học, tự rèn luyện để nâng cao năng lực chuyên môn. Phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, không nên nói hộ làm hộ khi học sinh có thể làm được điều đó. Phát huy hiệu quả của phương pháp dạy học nêu vấn đề. Các tổ, nhóm chuyên môn cần thông qua những tiết dạy cụ thể để minh họa cho một tiết dạy sinh động, kết hợp nhiều thao tác, tránh tình trạng đọc - chép một cách thuần túy.

Uyên Lê

Bình luận