Đang xử lý.....

Hội Khuyến học là cánh tay nối dài cho ngành GD&ĐT trong chăm lo, phát triển sự nghiệp trồng người 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Bảy, 07/11/2015, 00:00 (GMT+7) 120

 

TS Nguyễn Văn Huấn

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

(Tham luận tại Đại hội Hội Khuyến học tỉnh Bến Tre)-Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng chỉ rõ “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập”. Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn mọi người Việt Nam đều được học tập. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.  Người còn kêu gọi mọi người dân phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Người căn dặn: “Học không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, nhầm nâng cao dân trí phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chinh quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, ngành giáo dục và đào tạo trong tỉnh đã phối hợp với hội khuyến học các cấp đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong thời gian qua, hội khuyến học luôn thể hiện vai trò nòng cốt trong việc phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở cơ sở, nhờ đó phong trào khuyến học trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển sâu rộng, từng bước đạt hiệu quả góp phần tích cực vào phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh.

Hội khuyến học các cấp của tỉnh đã được xây dựng vững mạnh, làm nòng cốt trong việc liên kết, phối phợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống tổ chức khuyến học hoàn chỉnh tại 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố với 1.507 chi hội ở các ấp, khu phố, trường học, 476 ban khuyến học, 6.668 tổ hội, trong đó có 513 chi hội trong trường học, thu hút 115.691 hội viên, đạt 8,35% dân số tham gia hoạt động khuyến học. Mạng lưới trên không những khẳng định về sự phát triển nhanh, toàn diện, sâu rộng của tổ chức khuyến học, đồng thời đã và đang khẳng định sự đóng góp có hiệu quả vào vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập khắp nơi trong tỉnh.

Thông qua mạng lưới rộng khắp của mình, hội khuyến học các cấp đã góp phần  tuyên truyền sâu rộng đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập thường xuyên, học tập suốt đời, làm cho xã hội nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học học tập ở nước ta hiện nay; xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là một trong những mục tiêu cơ bản trong việc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo nước ta, từ đó cùng phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo triển khai ngày càng có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng chương trình phối hợp 5 năm, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020; phối hợp với Sở GD&ĐT trong xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc xây dựng xã hội học tập tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; phối hợp triển khai Thông tư số 44/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về “Đánh giá, công nhận Cộng đồng học tập cấp xã” thông qua hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng và thực hiện công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục.

Về công tác khuyến học, khuyến tài

Hội khuyến học các cấp đã có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực cho việc vận động hỗ trợ học sinh nghèo gặp khó khăn, chống nguy cơ bỏ học, khen thưởng, động viên học sinh xuất sắc. Trong 5 năm qua, từ năm 2009 đến năm 2014, cả tỉnh huy động được 256,66 tỷ đồng, lập quỹ khuyến học, khuyến tài 133,8 tỷ đồng, trợ cấp học bổng 416.657 suất. Hàng năm, Hội Khuyến học tỉnh tích cực vận động quỹ khuyến học, khuyến tài  trao giải thưởng Trương Vĩnh Ký cho học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, hỗ trợ học bổng, học phẩm, phương tiện xe đạp… cho học sinh nghèo, gặp khó khăn với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng/năm. Từ năm học 2009 đến năm 2014, đã xét chọn và trao 382 giải thưởng Trương Vĩnh Ký với tổng số tiền 1,619 tỷ đồng cho học sinh tỉnh Bến Tre đạt thành tích xuầt sắc trong học tập.

Hội Khuyến học các huyện, thành phố và các Hội Khuyến học cơ sở đã phối hợp với các Phòng GD&ĐT, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực vận động cho quỹ khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ nhiều học bổng, học phẩm, học cụ cho học sinh. Nhiều huyện, thành phố đã xây dựng quỹ khuyến học hàng chục tỷ đồng.

Về công tác xây dựng xã hội học tập

Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học là một mô hình độc đáo của phong trào học tập suốt đời. Đây là một nhân tố cần thiết, quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài đặc biệt là xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập theo tư tưởng học tập suốt đời của Bác Hồ. Trong thời gian qua, hội khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực triển khai công tác “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”. Tỉ lệ gia đình học tập tăng lên hàng năm. Đến năm 2014, cả tỉnh có 130.368 gia đình học tập, đạt 35,08% tổng số hộ dân.

Hội khuyến học các cấp đã vận động nhân dân tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Gắn việc phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đôi với hành và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Hội Khuyến học tỉnh cũng đã phối hợp tốt với Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 164/164 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng đạt tỷ lệ 100%. Các trung tâm học tập cộng đồng xây dựng kế hoạch hoạt động trên cơ sở điều tra nhu cầu học tập trong nhân dân, liên kết với các ban, ngành huyện, tỉnh tổ chức các lớp chuyên đề, tập huấn kỹ thuật cho học viên, phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân từng địa phương, đơn vị. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng xã hội học tập ở cộng đồng dân cư địa phương.

Hội khuyến học các cấp cùng với các đoàn thể, tổ chức xã hội khác cũng đã phối hợp với ngành GD&ĐT thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục. Thành quả phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh được duy trì và ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng. Tỉ lệ học sinh bỏ học, lưu ban được kéo giảm; hiện nay, tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp Tiểu học là 0,017%, cấp Trung học cơ sở là 0,75%, cấp Trung học phổ thông là 1,57%, được duy trì ở mức thấp so với mặt bằng chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2010, có 32/164 xã, phường, thị trấn và chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học, thì năm 2014, tăng lên 99/164 xã, phường, thị trấn  và 1/9 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.

Khuyến học, khuyến tài là đạo lý của dân tộc ta; xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.  Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, của toàn xã hội, đã góp phần tích cực vào sự phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà, trong đó có vai trò quan trọng của hội khuyến học các cấp. Với những đóng góp thiết thực trong thời gian qua cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh Bến Tre thật sự là người đồng hành, là cánh tay nối dài hiệu quả cho ngành GD&ĐT trong chăm lo, phát triển sự nghiệp trồng người.

Bình luận