Đang xử lý.....

8 bước thiết kế và tổ chức triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Ba, 13/10/2015, 00:00 (GMT+7) 1175

Một hoạt động trải nghiệm sáng tạo của Trường tiểu học Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai)

Một hoạt động trải nghiệm sáng tạo của Trường tiểu học Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai)

GD&TĐ - "Việc xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm sáng tạo được gọi là thiết bị hoạt động trải nghiệm sáng tạo (HĐTNST) cụ thể. Đây là việc quan trọng, quyết định tới một phần sự thành công của hoạt động".

Đó là chia sẻ của TS Ngô Thị Thu Dung – Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục cộng đồng (CCE), nơi thường tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên.

TS Dung cho biết: Việc thiết kế các HĐTNST cụ thể được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Xác định nhu cầu tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Công việc này bao gồm một số việc:

Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu và chương trình giáo dục, nhà giáo dục cần tiến hành khảo sát nhu cầu, điều kiện tiến hành.

Xác định rõ đối tượng thực hiện. Việc hiểu rõ đặc điểm học sinh tham gia vừa giúp nhà giáo dục thiết kế hoạt động phù hợp đặc điểm lứa tuổi, vừa giúp có các biện pháp phòng ngừa những đáng tiếc có thể xảy ra cho học sinh.

Bước 2: Đặt tên cho hoạt động

Đặt tên cho hoạt động là một việc làm cần thiết vì tên của hoạt động tự nó đã nói lên được chủ đề, mục tiêu, nội dung, hình thức của hoạt động.

Tên hoạt động cũng tạo ra được sự hấp dẫn, lôi cuốn, tạo ra được trạng thái tâm lý đầy hứng khởi và tích cực của học sinh. Vì vậy, cần có sự tìm tòi, suy nghĩ để đặt tên hoạt động sao cho phù hợp và hấp dẫn.

Việc đặt tên cho hoạt động cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Rõ ràng, chính xác, ngắn gọn.

- Phản ánh được chủ đề và nội dung của hoạt động.

- Tạo được ấn tượng ban đầu cho học sinh

Tên hoạt động đã được gợi ý trong bản kế hoạch HĐTNST, nhưng có thể tùy thuộc vào khả năng và điều kiện cụ thể của từng lớp để lựa chọn tên khác cho hoạt động.

Giáo viên cũng có thể lựa chọn các hoạt động khác ngoài hoạt động đã được gợi ý trong kế hoạch của nhà trường, nhưng phải bám sát chủ đề của hoạt động và phục vụ tốt cho việc thực hiện các mục tiêu giáo dục của một chủ đề, tránh xa rời mục tiêu.

Bước 3: Xác định mục tiêu của hoạt động

Mỗi hoạt động đều thực hiện mục đích chung của mỗi chủ đề theo từng tháng nhưng cũng có những mục tiêu cụ thể của hoạt động đó.

Mục tiêu của hoạt động là dự kiến trước kết quả của hoạt động.

Các mục tiêu hoạt động cần phải được xác định rõ ràng, cụ thể và phù hợp; phản ánh được các mức độ cao thấp của yêu cầu cần đạt về tri thức, kĩ năng, thái độ và định hướng giá trị.

Nếu xác định đúng mục tiêu sẽ có các tác dụng là:

- Định hướng cho hoạt động, là cơ sở để chọn lựa nội dung và điều chỉnh hoạt động

- Căn cứ để đánh giá kết quả hoạt động

- Kích thích tính tích cực hoạt động của thầy và trò

Tùy theo chủ đề của HĐTNST ở mỗi tháng, đặc điểm HS và hoàn cảnh riêng của mỗi lớp mà hệ thống mục tiêu sẽ được cụ thể hóa và mang màu sắc riêng.

Khi xác định được mục tiêu cần phải trả lời các câu hỏi sau:

- Hoạt động này có thể hình thành cho học sinh những kiến thức ở mức độ nào? (Khối lượng và chất lượng đạt được của kiến thức?)

- Những kỹ năng nào có thể được hình thành ở học sinh và các mức độ của nó đạt được sau khi tham gia hoạt động?

- Những thái độ, giá trị nào có thể được hình thành hay thay đổi ở học sinh sau hoạt động?

Bước 4: Xác định nội dung và phương pháp, phương tiện, hình thức của hoạt động

Mục tiêu có thể đạt được hay không phụ thuộc vào việc xác định đầy đủ và hợp lý những nội dung và hình thức của hoạt động.

Trước hết, cần căn cứ vào từng chủ đề, các mục tiêu đã xác định, các điều kiện hoàn cảnh cụ thể của lớp, của nhà trường và khả năng của học sinh để xác định các nội dung phù hợp cho các hoạt động. Cần liệt kê đẩy đủ các nội dung hoạt động phải thực hiện.

Từ nội dung, xác định cụ thể phương pháp tiến hành, xác định những phương tiện cần có để tiến hành hoạt động. Từ đó lựa chọn hình thức hoạt động tương ứng.

Có thể một hoạt động nhưng có nhiều hình thức khác nhau được thực hiện đan xen hoặc trong dó có một hình thức nào đó là chủ đạo, còn hình thức khác là phụ trợ.

Ví dụ: “Thảo luận về việc phát huy truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo”. Hình thức thảo luận là chủ đạo, có thể xen kẽ hình thức văn nghệ, trò chơi hoặc đố vui.

Trong “Diễn đàn tuổi trẻ với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, nên chọn hình thức báo cáo, trình bày, thuyết trình về vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc làm chính, kết hợp với thi đàn, hát dân ca, trò chơi dân gian hoặc gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu… để tăng tính đa dạng, tính hấp dẫn cho diễn đàn.

Bước 5: Lập kế hoạch

Nếu chỉ tuyên bố về các mục tiêu đã lựa chọn thì nó vẫn chỉ là những ước muốn và hy vọng, mặc dù có tính toàn, nghiên cứu kỹ lưỡng. Muốn biến các mục tiêu thành hiện thực thì phải lập kế hoạch.

Lập kế hoạch để thực hiện hệ thống mục tiêu tức là tìm các nguồn lực (nhân lực – vật lực – tài liệu) và thời gian, không gian… cần cho việc hoàn thành các mục tiêu.

Chi phí về tất cả các mặt phải được xác định. Hơn nữa phải tìm ra phương án chi phí ít nhất cho việc thực hiên mỗi một mục tiêu. Vì đạt được mục tiêu với chi phí ít nhất là để đạt được hiệu quả cai nhất trong công việc. Đó là điều mà bất kỳ người quản lý nào cũng mong muốn và cố gắng đạt được.

Tính cân đối của kế hoạch đòi hỏi giáo viên phải tìm ra đủ các nguồn lực và điều kiện để thực hiện mỗi mục tiêu. Nó cũng không cho phép tập trung các nguồn lực và điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu này mà bỏ mục tiêu khác đã lựa chọn.

Cân đối giữa hệ thống mục tiêu với các nguồn lực và điều kiện thực hiện chúng, hay nói khác đi, cân đối giữa yêu cầu và khả năng đòi hỏi người giáo viên phải nắm vững khả năng mọi mặt, kể cả các tiềm năng có thể có, thấu hiểu từng mục tiêu và tính toán tỉ mỉ việc đầu tư cho mỗi mục tiêu theo một phương án tối ưu.

Bước 6: Thiết kế chi tiết hoạt động trên bản giấy

Trong bước này, cần phải xác định:

Có bao nhiêu việc cần phải thực hiện?

Các việc đó là gì? Nội dung của mỗi việc đó ra sao?

Tiến trình và thời gian thực hiện các việc đó như thế nào?

Các công việc cụ thể cho các tổ, nhóm, các cá nhân.

Yêu cầu cần đạt được của mỗi việc.

Bước 7: Kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình hoạt động

Rõ soát, kiểm tra lại nội dung và trình tự của các việc, thời gian thực hiện cho từng việc, xem xét tính hợp lý, khả năng thực hiện và kết quả cần đạt được.

Nếu phát hiện những sai sót hoặc bất hợp lý ở khâu nào, bước nào, nội dung nào hay việc nào thì kịp thời điều chỉnh.

Cuối cùng, hoàn thiện bản thiết kế chương trình hoạt động và cụ thể hóa chương trình đó bằng căn bản. Đó là giáo án tổ chức hoạt động.

Bước 8: Lưu trữ kết quả hoạt động vào hồ sơ của học sinh.

Minh Phong (ghi)

Bình luận